Tập đoàn Dệt May Việt Nam: Phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ
24-03-2018
Ngày 23/3/2018 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khởi công Dự án “Tăng cường hiệu quả thực thi và khai thác, phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam”.
Dự án “Tăng cường hiệu quả thực thi và khai thác, phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam” (do Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của Chính phủ) bắt đầu khởi động và triển khai thực hiện từ năm 2018 đến hết năm 2019 nhằm: Nâng cao nhận thức chung của Tập đoàn Dệt May Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên về thực thi, xây dựng và phát triển giá trị quyền SHTT; Nâng cao năng lực khai thác và phát triển giá trị quyền SHTT đối với một số nhãn hiệu của một số công ty thành viên thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (gồm Tổng Công ty May 10 - CTCP, Tổng Công ty Đức Giang – CTCP, Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ, Tổng Công ty CP May Việt Tiến, Tổng Công ty CP Phong Phú); Nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT của doanh nghiệp và nhận thức cộng đồng đối với việc người Việt Nam ưu tiên dùng hàng dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ khởi công Dự án, Thứ trưởng Bộ KH & CN Phạm Công Tạc nhấn mạnh, ngành DMVN đã tạo nên sự phát triển đột biến trong 30 năm đổi mới, từ việc xuất khẩu bằng 0 USD năm 1986 tới con số KNXK hơn 31 tỷ USD năm 2017, với con số hơn 7000 doanh nghiệp, ngành có đóng góp lớn trong công tác an sinh xã hội, trong công cuộc cải cách và mở cửa nền kinh tế VN, gắn với nhu cầu cấp thiết của con người, tích lũy những đồng ngoại tệ đầu tiên cho kinh tế quốc gia. Trong giai đoạn mới, trước sự cạnh tranh quyết liệt, ngành DMVN buộc phải thay đổi về triết lý trong phát triển, đặc biệt là khâu khai thác, phát triển và bảo vệ giá trị quyền sở hữu trí tuệ - tài sản vô hình. Cần chú ý rằng trong thế giới hiện đại, tài sản chủ yếu của doanh nghiệp là tài sản vô hình.
Khẳng định thêm về vai trò của ngành DMVN, Tổng Giám đốc Tập đoàn DMVN Lê Tiến Trường khẳng định, Ngành DMVN với 1 đồng vốn đã tạo ra 5 đồng cho nền kinh tế mỗi năm, đó là một khả năng thật ấn tượng. Hiện nay trong thị trường thế giới, với vị trí thứ 3 trong các nước xuất khẩu dệt may hàng đầu, Việt Nam đang bị chú ý và coi là đối thủ cạnh tranh cần phải bị kiềm chế. Sức ép đối với Ngành vì thế càng lớn hơn, và Ngành không thể tăng trưởng phát triển theo cách thông thường, mà phải tập trung chuyển đổi công nghệ rất tích cực trong giai đoạn này. Đặc biệt là cần có tâm thế tích cực, chủ động trong xây dựng thương hiệu dệt may giá trị trên thị trường quốc tế.
Trong khuôn khổ Dự án, các hoạt động như khảo sát; đánh giá, định giá; phát triển thương hiệu; xây dựng chiến lược ngắn hạn và dài hạn; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; đào tạo, tập huấn; và truyền thông cùng được tiến hành.
Theo vinatex.com