12 Hiệp hội doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Góp ý, kiến nghị một số nội dung lớn tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020
10-11-2021
Ngày 18/10/2021, trong cuộc họp với 15 Hiệp hội, sau khi nghe các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Ban Soạn thảo sửa đổi 7 nhóm vấn đề trong Dự thảo cho 4 nội dung lớn (cấp phép, quan trắc, thủ tục hành chính và trách nhiệm mở rộng) và đã được truyền thông đưa tin rộng rãi. Tuy nhiên, trong Dự thảo mới nhất mà Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ để xem xét ban hành, ngoài một số vấn đề đã được giải quyết, chúng tôi thấy vẫn còn nhiều vấn đề khác chưa được giải quyết theo chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Các vấn đề còn tồn tại trong Dự thảo không phù hợp với các Luật hiện hành và điều kiện thực tiễn Việt Nam, gây khó khăn cho doanh nghiệp, cho phát triển đất nước mà không khuyến khích được bảo vệ môi trường, đặc biệt là phát sinh thủ tục hành chính, cơ chế xin cho. Với mong muốn có một Nghị định phù hợp và khả thi, các Hiệp hội đề nghị Thủ tướng xem xét góp ý của các Hiệp hội, và Văn phòng Chính phủ tổ chức đối thoại để làm rõ và giải quyết những quan ngại của các doanh nghiệp về Dự thảo này, gồm 1 góp ý chung và 6 góp ý-đề xuất cụ thể như đã nêu trong thư của các Hiệp hội gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 11/10/2011.
I. GÓP Ý CHUNG:
Các Hiệp hội tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các vấn đề nguyên tắc sau:
- Nghị định hướng dẫn chi tiết không được đưa ra những điều nằm ngoài quy định của Luật BVMT, không tạo mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác.
- Bộ Tư pháp rà soát, kiểm tra lại những nội dung sửa đổi của Ban Soạn thảo để đánh giá xem Dự thảo cuối đã đáp ứng yêu cầu nêu trong Báo cáo thẩm định ngày 6/10/2021 của Bộ Tư pháp hay chưa, hoặc có thêm điểm mới nào chưa phù hợp.
- Dự thảo cần tuân thủ đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại công văn số 6739/VPCP-NN ngày 22/9/2021 “đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về môi trường nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất-kinh doanh”, cũng như các Nghị quyết của Chính phủ để không làm tăng thêm quy định hành chính & thủ tục hành chính đối với DN.
II. SÁU GÓP Ý-ĐỀ XUẤT CỤ THỂ VÀ QUAN TRỌNG (NHỮNG VẤN ĐỀ TỒN TẠI TRONG DỰ THẢO MỚI NHẤT TRÌNH CHÍNH PHỦ:
1. Cần đơn giản, minh bạch hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường (GPMT) và chuyển sang hậu kiểm thay vì chỉ tiền kiểm.
2. Cần sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư-kinh doanh và hoạt động của DN
3. Bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR do không có đề cập hay quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, không có cơ sở pháp lý
4. Cần phải bổ sung khung pháp lý và khung pháp lý phải rõ ràng nhằm quản lý “đóng góp tài chính để tái chế bao bì, sản phẩm và xử lý chất thải”
5. Điều chỉnh tỷ lệ tái chế bắt buộc để tái chế sản phẩm, bao bì, tỷ lệ đóng góp để xử lý chất thải cho phù hợp dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn Việt Nam
6. Lùi lộ trình thực hiện đóng góp tái chế đến tháng 1/2025
Các Hiệp hội mong nhận được sự quan tâm xem xét và chỉ đạo của Chính phủ để Việt Nam có được một Nghị định có tính khả thi cao, hội nhập với các cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giúp bảo vệ môi trường và tạo thuận lợi cho sản xuất-kinh doanh.
Đính kèm: CV các Hiệp hội gửi Thủ tướng CP kiến nghị về Dự thảo
Nguồn: http://www.vietnamtextile.org.vn/12-hiep-hoi-doanh-nghiep-gui-thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-gop_p1_1-1_2-1_3-742_4-5803.html