Bất chấp đại dịch COVID-19, ngành dệt may cán đích 39 tỷ USD
10-12-2021
"Năm 2021 là năm cực kỳ khó khăn của ngành dệt may Việt Nam. Tiền đề tăng trưởng âm 9,8% của năm 2020 khiến dệt may bước vào năm 2021 với nhiều nỗi lo", ông Trương Văn Cẩm chia sẻ.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS). Ảnh: VGP
Nếu như quý I/2021, doanh nghiệp trong ngành dệt may phấn khởi bởi ngay từ đầu năm đã ký được hợp đồng đến hết quý III, thậm chí hết năm thì sang quý II/2021, dịch bùng phát ở khu vực phía bắc và bùng phát ở TP Hồ Chí Minh, lan rộng ra các tỉnh khu vực phía nam khiến sản xuất của các doanh nghiệp dệt may gần như đóng băng.
"Xuất khẩu dệt may tháng 7, 8, 9 liên tục giảm. Đơn hàng không thể trả cho đối tác. Tình hình này chỉ chấm dứt khi sang tháng 10, Nghị quyết 128/NQ-CP được Chính phủ ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 thì sản xuất của doanh nghiệp mới bắt đầu hồi phục, đã có thể 'trả nợ' các đơn hàng", ông Cẩm cho biết.
Theo đại diện VITAS, việc sản xuất của doanh nghiệp được khôi phục vào cuối năm 2021 đã giúp ngành dệt may đạt 39 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tương đương với năm 2019. Trong đó, hàng may mặc đạt 28,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020; xơ, sợi dự kiến đạt 5,5 tỷ, tăng trên 49% chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc...
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam với 15,9 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020; EU đạt 3,7 tỷ USD, tăng 14%; Hàn Quốc đạt 3,6 tỷ USD và Trung Quốc 4,4 tỷ USD chủ yếu là xuất khẩu sợi.
VITAS cho biết Hiệp hội đã xây dựng mục tiêu cho năm 2022 theo 3 kịch bản: Kịch bản tích cực nhất, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5-43,5 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022. Kịch bản trung bình đạt 40-41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm. Kịch bản thấp nhất đạt 38-39 tỷ USD, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022.
Nguồn: VTV