Chủ động nguyên liệu để dệt may mang về 43,5 tỉ USD trong năm 2022
10-12-2021
Dệt may vượt "bão" COVID-19, cán đích 39 tỉ USD
Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), dù dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của toàn ngành; đặc biệt "làn sóng" thứ tư của dịch COVID-19 trong quý III/2021 đã gây đứt gãy nguồn cung nguyên liệu và nhân lực lao động, nhưng dự kiến xuất khẩu dệt may năm 2021 có thể đạt 39 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.
Đây là kết quả rất ngoạn mục, là sự "lội ngược dòng" để đạt được thành công bất ngờ trong điều kiện kinh tế - xã hội ở giai đoạn hết sức khó khăn do đại dịch. Với kết quả này, là tiền đề để ngành dệt may tự tin xây dựng kế hoạch phát triển trong năm 2022.
Trong năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và ở Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường, tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp của Vitas tin tưởng Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ổn định trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo chiến lược chung đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới tại các địa phương. Vì vậy, Vitas xây dựng mục tiêu xuất khẩu năm 2022 theo 3 kịch bản, với giá trị kim ngạch xuất khẩu mức thấp nhất là 38-39 tỉ USD và mức cao nhất là 42,5-43,5 tỉ USD.
Theo đó, ở kịch bản 1, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022, các doanh nghiệp tích cực nhất, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5 – 43,5 tỉ USD.
Ở kịch bản 2, kim ngạch xuất khẩu dệt may trung bình đạt 40 – 41 tỉ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm.
Kịch bản 3, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt mức thấp nhất 38 – 39 tỉ USD.
Nhấn mạnh về các yếu tố để hỗ trợ doanh nghiệp dệt may đạt mục tiêu trên, ông Trương Văn Cẩm đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc chủ động nguồn nguyên liệu.
Ông khẳng định: Vitas sẽ tiếp tục kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu.
Chủ động nguồn nguyên liệu và kế hoạch sản xuất
Ngày 8.12, tại Hội nghị Giữ vững mối liên kết, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức, ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam chia sẻ: “Kinh nghiệm từ sau đợt dịch vừa rồi cho thấy, việc làm chủ nguyên liệu trong nước là chìa khoá để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và chắc chắn hơn trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Do đó ngành dệt may đã có kế hoạch phát triển chuỗi sản xuất từ sợi, dệt nhuộm đến may, tiến tới là nhà cung cấp trọn gói đối với các khách hàng lớn”.
Năm 2022, dịch COVID-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực lên sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, song song với việc chủ động nguyên liệu sản xuất, các doanh nghiệp cũng cần chủ động và linh hoạt xây dựng các phương án sản xuất để không bị đứt gãy các đơn hàng xuất khẩu.
Theo ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), để duy trì chuỗi sản xuất hàng Việt Nam bền vững, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới theo tinh thần của Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ cả trong những tháng cuối năm và năm 2022 sắp tới, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong tình huống dịch có thể kéo dài.
Nguồn: https://laodong.vn