Tin trong ngành

Sau nghỉ Tết, sôi động không khí lao động, sản xuất

15-02-2022

Nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại là điều kiện lý tưởng để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Tại các khu công nghiệp, các nhà máy, không khí lao động sản xuất đã sớm trở lại nhộn nhịp như ngày thường. Nhiều doanh nghiệp thậm chí đã cắt ngắn kỳ nghỉ Tết để kịp hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu ngay trong tháng Giêng. Tình trạng thiếu hụt lao động cũng không quá nghiêm trọng tại các thành phố lớn.

HẦU HẾT NGƯỜI LAO ĐỘNG QUAY TRỞ LẠI LÀM VIỆC

Những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022, không khí ra quân sản xuất tại hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương diễn ra sôi nổi. Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ lao động trở lại làm việc đạt trên 80% như Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC Corp) đạt 100%, Công ty TNHH một thành viên cao su Dầu Tiếng đạt 100%, Công ty TNHH Chí Hùng đạt 93%, Công ty TNHH Shyang Hung Cheng đạt 86%...

Tại Đồng Nai, ông Nguyễn Tấn Pháp, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pouchen VN (TP.Biên Hòa) cho biết, trên 91% trong tổng số hơn 16.000 công nhân đã quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, số còn lại chủ yếu đã có đơn xin nghỉ việc trước Tết. Để động viên công nhân đi làm sớm, trong tuần làm việc đầu tiên của năm mới, mỗi công nhân sẽ được "lì xì" thêm 35.000 đồng/ngày. Trong khi đó, Công ty cổ phần Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) ngày làm việc đầu tiên đã có gần 90% lao động đi làm, đến nay đã đón khoảng 98% lao động quay lại sản xuất.

Tại TP.HCM, theo ghi nhận của Ban quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA), ngay trong tuần làm việc sau nghỉ Tết đã có gần 1.000/1.440 doanh nghiệp trong các KCX - KCN của thành phố tái hoạt động trở lại với khoảng 80% công suất thiết kế. Ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng Ban HEPZA nhận định tỷ lệ tái hoạt động sau Tết của doanh nghiệp tại các KCX -KCN năm nay rất cao. Điều này xuất phát từ chính sách lương, thưởng Tết cũng như các chính sách giữ chân công nhân mà các doanh nghiệp đã thực hiện từ trước đó.

Người lao động quay trở lại làm việc đạt tỉ lệ cao là do các công ty, doanh nghiệp đã công khai, minh bạch chế độ lương, thưởng để giữ chân người lao động.Người lao động quay trở lại làm việc đạt tỉ lệ cao là do các công ty, doanh nghiệp đã công khai, minh bạch chế độ lương, thưởng để giữ chân người lao động.

Tại Công ty Vĩnh Thành Đạt, 60% công nhân đã quay trở lại làm việc từ mùng 4 Tết với tâm lý ổn định. Tăng tiền lương, thưởng, tặng vé xe, tổ chức chuyến xe đưa đón, thưởng tiền cho công nhân quay lại làm việc đúng lịch là giải pháp doanh nghiệp thực hiện để kéo công nhân quay lại nhà máy. "Chúng tôi cố gắng bằng mọi cách để giữ tiền thưởng cho công nhân, người lao động cao hơn hoặc ít nhất là bằng so với năm qua. Bởi vậy doanh nghiệp có thể hoạt động ổn định ngay sau kỳ nghỉ Tết," ông Trương Chí Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, chia sẻ.

Nếu như mọi năm, sau Tết là thời gian thấp điểm của ngành may vì ít đơn hàng xuất khẩu, nhưng năm nay lượng đơn hàng tăng 15%, nhiều đơn hàng yêu cầu ngay trong tháng 2 khiến doanh nghiệp phải ráo riết làm việc. "Đến nay, 90% lượng công nhân của công ty chúng tôi đã quay trở lại làm việc. Trong 1 - 2 tuần nữa chúng tôi phải giao hàng cho các khách hàng lớn ở thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các thị trường khác," ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết.

Có thể thấy, trái với tâm lý lo lắng rằng công nhân sẽ trở lại chậm sau Tết thì rất nhiều doanh nghiệp nhờ chính sách linh hoạt thích ứng đã trở lại hoạt động bình thường. Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, người lao động quay trở lại làm việc đạt tỉ lệ cao là tín hiệu tốt và đạt được điều này là do các công ty, doanh nghiệp đã công khai, minh bạch chế độ lương, thưởng để giữ chân người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ, chăm sóc tốt để thu hút người lao động, từ đó giúp các nhà máy, phân xưởng hoạt động đúng kế hoạch.

 

NHIỀU KỲ VỌNG VÀO NĂM NHÂM DẦN

Nhịp điệp lao động, sản xuất trở lại ngay từ những ngày làm việc đầu tiên đã mang theo nhiều kỳ vọng cho năm mới Nhâm Dần. Mặc dù có số ngày làm việc thực tế chỉ 24 ngày, song kim ngạch xuất khẩu của cả nước vẫn giữ nhịp tăng trưởng trong tháng đầu tiên của năm mới 2022. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng 1/2022 ước đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.


Theo Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, hiện các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp chủ lực của khu đã chủ động nguồn lao động để làm việc ngay sau Tết để đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu. Ông Đặng Công Bình, Giám đốc Công ty TNHH điện tử DLG Ansen cho biết do năm ngoái doanh nghiệp đã nỗ lực sản xuất trong suốt thời gian dịch nên đối tác Mỹ, châu Âu tin tưởng tiếp tục đặt hàng, lượng đơn hàng năm mới dồi dào với giá trị xuất khẩu ước đạt khoảng 6 triệu USD. Nếu việc kiểm soát dịch duy trì như hiện nay, giá trị xuất khẩu có thể vượt mục tiêu và công nhân yên tâm sản xuất.Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nhiều hàng hóa của Việt Nam đã xác lập được vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng của một số sản phẩm, như: điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, dệt may, da giày, đồ gỗ, thuỷ sản, gạo, càphê, hồ tiêu... Đây cũng là nhóm những mặt hàng trong thời gian vừa qua có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao.

Mọi năm, sau Tết là thời gian thấp điểm của ngành may vì ít đơn hàng xuất khẩu, nhưng năm nay lượng đơn hàng tăng 15%.Mọi năm, sau Tết là thời gian thấp điểm của ngành may vì ít đơn hàng xuất khẩu, nhưng năm nay lượng đơn hàng tăng 15%.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết đơn hàng xuất khẩu năm 2022 của Vinatex khá dồi dào, tập đoàn hướng đến chuyển đổi số trong giai đoạn 2022 - 2025, cung cấp trọn gói nhu cầu của khách hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, Vinatex cũng đang hình thành mô hình cụm doanh nghiệp sợi, dệt nhuộm, may (trước tiên tập trung vào sản phẩm dệt kim) với một số doanh nghiệp hiện có, chia sẻ năng lực sản xuất, tạo chuỗi liên kết hoàn chỉnh.

Tương tự, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, Công ty có sản phẩm đặc trưng, sử dụng công nghệ cao nên số đơn hàng khá ổn định. Hiện nay, Công ty đã có đơn hàng đến hết quý 2/2022 và đang tập trung mở rộng sản xuất để tăng sản lượng xuất khẩu. Nếu duy trì được nhịp độ sản xuất như hiện nay thì năm 2022 khả năng tăng trưởng của công ty sẽ cao hơn năm 2021 trên 15%.

Những tín hiệu tích cực cho thấy các doanh nghiệp và người lao động đã sẵn sàng cho một năm mới với một tâm thế mới, tận dụng mọi cơ hội để bù đắp lại những khoảng thời gian “đóng băng" do ảnh hưởng của dịch bệnh hai năm qua, bước vào giai đoạn ổn định sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nền kinh tế sẽ phục hồi và phát triển, an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo khi nước ta thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. 

Nguồn: https://vneconomy.vn/sau-nghi-tet-soi-dong-khong-khi-lao-dong-san-xuat.htm