Tin trong ngành

Thâu đêm sản xuất hàng dệt may xuất đi Mỹ, Châu Âu

03-12-2021

Công nhân may chạy đua sản xuất cuối năm. Ảnh: Cường Ngô

Chạy đua sản xuất để kịp đơn hàng

Trong phân xưởng rộng chừng 500m2 được xây khép kín giữa khuôn viên nhà máy chuyên sản xuất veston, hàng trăm công nhân Công ty CP Tập đoàn May Hồ Gươm cho "ra lò" liên tục những bộ veston mới. Không khí làm việc tại các phân xưởng của May Hồ Gươm - những ngày này sôi nổi hơn bao giờ hết.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Phí Ngọc Trịnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn May Hồ Gươm - cho biết, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đã tạo đà cho doanh nghiệp ổn định việc sản xuất để kịp các đơn hàng cuối năm cho đối tác, cũng như đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Toàn bộ phân xưởng, máy móc đều phải hoạt động 24/24 giờ và công nhân cũng phải chia 3 ca để cả ngày lẫn đêm vẫn điều khiển máy, nhằm kịp sản xuất những đơn hàng đang vào giai đoạn nước rút. Mỗi ngày, hơn 2.000 công nhân tại các phân xưởng làm ra 3.000 sản phẩm xuất khẩu. 

"Trước đây hàng dệt may của chúng tôi xuất đi bằng tàu biển, nhưng để giao hàng trong thời điểm này phải đi bằng máy bay. Cách đây hơn 2 tháng, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến căng thẳng, chúng tôi chậm giao hàng cho đối tác nên đã bị phạt chậm giao hàng. Nhưng đó là câu chuyện thương trường, doanh nghiệp buộc phải chấp nhận.

Song, không vì điều đó mà chúng tôi nản. Hiện tại, cán bộ công nhân viên và người lao động cùng chung tay để sản xuất kịp các đơn hàng cho đối tác. Giữ bằng được đơn hàng là nhiệm vụ của không chỉ ban lãnh đạo công ty mà toàn thể công nhân lao động", ông Trịnh nói và cho biết, đến thời điểm này, doanh nghiệp đã hoàn thành 100% kế hoạch năm 2021, doanh thu ước đạt 20 tỉ USD.

Cũng theo vị này, trong thời điểm dịch bệnh, người lao động rất chia sẻ với những khó khăn của công ty. "May mắn nhất là chúng tôi đã quan tâm, chia sẻ với người lao động lúc khó khăn nên giờ giữ được tối đa lao động, ai cũng có công ăn việc làm, để kịp quay lại sản xuất, đơn hàng không bị chuyển đi nước khác. Năm nay, công ty thưởng Tết cho cán bộ công nhân viên, người lao động cao hơn năm ngoái khoảng 5% (hơn 1 tháng thu nhập)" - ông Trịnh thông tin.

Trong một nhà xưởng thơm mùi vải mới tại Tổng Công ty May Bắc Giang LGG, những ngày này, không khí làm việc cũng rất sôi nổi. Tiếng máy ro ro, mọi người trong tổ thoăn thoắt đôi tay đưa những mảnh vải lướt nhanh dưới những đường kim mũi chỉ. Không khí làm việc của các tổ may luôn hối hả như cả người và máy cùng chạy đua nước rút.

"Chúc mừng thành tích Chuyển đổi nhanh của Tập thể tổ may 58"; "Chúc mừng các tập thể tổ XN1- tổ may 6, XN2 - tổ may 23, XN4 - tổ may 67... đã xuất sắc hoàn thành mục tiêu chuyển đổi nhanh trong ngày hôm nay"… là những bản tin năng suất, liên tục được Tổng công ty May Bắc Giang LGG cập nhật trên mạng xã hội Facebook để cổ vũ tinh thần hăng say sản xuất của người lao động. 

Ông Nguyễn Văn Hạnh - Giám đốc điều hành Tổng công ty May Bắc Giang LGG - cho hay, sau khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành, tỉnh Bắc Giang đã chủ động nới lỏng các hoạt động giãn cách xã hội, nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh; tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân làm việc, không phải duy trì "3 tại chỗ" như trước kia. 

"Chúng tôi phải tranh thủ từng giây, từng phút để làm kịp đơn hàng mùa đông cho đối tác. Như thế năng suất mới tăng lên để thu nhập của mọi người khá hơn. Chúng tôi cũng triển khai xét nghiệm cho toàn thể cán bộ công nhân viên đang làm việc tại nhà máy. Đồng thời, tăng suất ăn ca cho cán bộ công nhân viên, phát sữa và vitamin C cho người lao động tạm trú tại công ty để tăng cường sức đề kháng. Nhờ đó, mà người lao động rất yên tâm làm việc" - ông Hạnh nói, đồng thời cho biết, hiện công ty đã tiếp nhận nhiều đơn hàng từ Mỹ, Nhật, Châu Âu…. Nhờ đó năm nay, công ty vẫn dự kiến đạt doanh thu 1.100 tỉ đồng, vượt chỉ tiêu 10%-15%. 

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, từ khi Chính phủ xác định sống chung với dịch và chính thức có hướng dẫn doanh nghiệp vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế thì May 10 đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành, giải quyết những đơn hàng giao hàng muộn cho khách hàng của quý III/2021. Hiện nay tất cả người lao động của May 10 đều làm việc hết công suất, thậm chí làm thêm giờ để hoàn thành những đơn hàng đã ký kết đến quý IV/2021. Một số đơn vị của May 10 cũng đã có đơn hàng đến hết quý I/2022.

"Với chính sách mới về chống dịch của Chính phủ và tinh thần làm việc của người lao động như hiện nay, chúng tôi tin rằng quý IV/2021 này May 10 không chỉ hoàn thành mục tiêu của quý IV/2021 mà có thể bù đắp sự giảm sút trong quý III/2021 do phải nghỉ giãn cách", ông Thân Đức Việt cho hay.

Xuất khẩu dệt may có thể đạt 38 tỉ USD

Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 32 tỉ USD trong 10 tháng qua, tăng gần 11% so với cùng kỳ 2020. Hai tháng còn lại của năm, xuất khẩu dự kiến đạt 3 tỉ USD mỗi tháng, cả năm có thể đạt khoảng 38 tỉ USD.

Theo Vitas, những đợt giãn cách xã hội kéo dài tại các tỉnh phía Nam trong đợt dịch thứ 4 đã khiến công suất ngành giảm khoảng một nửa, ảnh hưởng lớn tới chuỗi cung ứng trong nước, quốc tế. Nhờ các biện pháp nới lỏng giãn cách từ đầu tháng 10, sản xuất dệt may, nhất là ở khu vực TPHCM và các tỉnh thành phía Nam, đã hồi phục nhanh chóng. Tỉ lệ người lao động trở lại các nhà máy làm việc đạt hơn 90%.

Đánh giá nhu cầu thị trường thế giới với các sản phẩm may mặc trong năm 2022 sẽ tăng nhanh chóng cùng việc mở cửa trở lại của các quốc gia, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết, dự báo xuất khẩu dệt may năm sau có thể đạt 43-43,5 tỉ USD. Ngoài việc đảm bảo mục tiêu xuất khẩu, ngành dệt may cũng đang đảm bảo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trên cả nước. 

Nhưng để đạt mục tiêu này, ông Giang lưu ý các doanh nghiệp sản xuất dệt may trong nước cần bắt kịp xu hướng tiêu dùng, đẩy mạnh dùng nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... để tận dụng lợi thế từ các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, EU, các thị trường thuộc khối CPTPP hay RCEP... Việc này cũng nhằm khẳng định chiến lược sản xuất, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của ngành dệt may.

Đặc biệt, theo ông Giang, khi phục hồi sản xuất, điều quan trọng nhất là không xảy ra tình trạng “chảy máu” lao động. Để làm được điều đó, nhiều doanh nghiệp dệt may thuộc hiệp hội vẫn trả một phần lương cho người lao động, đồng thời cung cấp gạo, mì tôm và nhu yếu phẩm cho họ nếu cần. Khi dịch được kiểm soát, để khích lệ người lao động gắn bó với doanh nghiệp, nhiều công ty đã ứng trước lương cho người lao động. Đây mới chính là vấn đề cốt lõi để giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Nguồn: https://laodong.vn/kinh-te/thau-dem-san-xuat-hang-det-may-xuat-di-my-chau-au-980331.ldo