Tin trong ngành

Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo về công nghệ Robotics – Mechatronics trong CMCN 4.0 cho DN Việt Nam

22-08-2018

Sáng ngày 21 tháng 8 năm 2018, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức Hội thảo “Công nghệ Robotics - Mechatronics trong Cách mạng công nghiệp 4.0: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam”. 


Đây là hoạt động trong chuỗi các sự kiện của“Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018” diễn ra từ ngày 18 đến ngày 24 tháng 8 năm 2018 tại Hà Nội, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu. Chương trình này quy tụ khoảng 100 chuyên gia công nghệ, nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới để cùng chia sẻ tầm nhìn, chiến lược với các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức trong nước về cách tiếp cận, giải pháp tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quá trình xây dựng, phát triển kinh tế Việt Nam.

Tới dự buổi lễ có đồng chí Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty, các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ người Việt Nam ở trong và ngoài nước, cùng đông đảo cơ quan thông tấn báo chí tham dự đưa tin.


Thứ trưởng Bộ Công Thương - Cao Quốc Hưng phát biểu tại buổi Hội thảo

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Cao Quốc Hưng chia sẻ: “Trong năm 2018, theo kết quả điều tra, nghiên cứu của Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam đối với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4.0), số lượng các doanh nghiệp của Việt Nam quan tâm đầu tư, ứng dụng những công nghệ mới, đặc biệt công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0 vào trong quá trình sản xuất còn rất khiêm tốn… Với tình hình nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn giữa nhu cầu và khả năng ứng dụng Công nghệ robot & Cơ điện tử trong quá trình sản xuất. Các doanh nghiệp đang cần những nhà khoa học, chuyên gia công nghệ cùng phối hợp để trả lời câu hỏi “Ai?” và “Làm như thế nào?” để giải quyết những thách thức này. Do đó, những giải pháp đề xuất để triển khai thực hiện cần có sự nhìn nhận, đánh giá tổng thể và toàn diện nhưng bước đi thì phải cụ thể, phù hợp để đảm bảo chúng ta đón nhận thành công những cơ hội mà Công nghệ robot & Cơ điện tử nói riêng và CMCN 4.0 nói chung có thể mang lại.”

Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 chuẩn bị bùng nổ, cộng đồng các DN dệt may trong nước đang đứng trước nhiều thách thức. Không chỉ nâng cao công nghệ vào các dây chuyền sản xuất, mà đội ngũ nhân lực có qua đào tạo để có thể vận hành máy móc cũng là một bài toán đối với các DN. Việc áp dụng robot vào trong sản xuất từ lâu đã là xu thế của các nước tiên tiến, nhưng hầu hết các DN dệt may tại Việt Nam lại chưa thể ứng dụng rộng rãi công nghệ này trong sản xuất. Do đó, với cuộc CMCN 4.0, cộng đồng các DN dệt may cần phải có sự liên kết, cũng như hỗ trợ lẫn nhau để tồn tại và phát triển trong xu thế chung của toàn cầu.

Do đó, buổi Hội thảo là diễn đàn để các doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ không chỉ đối với các nhà khoa học,chuyên gia trong và ngoài nước, mà đây còn là sự kiện thực sự bổ ích, có giá trị đối với các doanh nghiệp, trường Đại học và cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ Robotics – Cơ điện tử trong Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo vinatex.com