Tin trong ngành

Các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 đối với DN dệt may Vinatex

08-06-2021

Trong năm 2021, Tập đoàn DMVN đã xây dựng mục tiêu SXKD căn cứ trên tình hình phát triển thực tế của hệ thống Sợi – Dệt – May. Những chỉ tiêu của quý I và quý II đã được Tập đoàn vượt qua, tuy nhiên trong quý III và quý IV, tình hình có những khó khăn do làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 đang bùng phát rất mạnh tại Việt Nam.

Biến chủng virus từ Ấn Độ và Anh có đặc điểm lây lan quá nhanh khiến cho từ đầu đợt dịch đến nay đã có hơn 4.000 người mắc bệnh, trong đó có nhiều NLĐ trong các KCN ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Hiện nay dịch đã lan ra tới hơn 30 tỉnh thành trong cả nước, kể cả ở TP. HCM, với ổ dịch bùng phát từ hoạt động của một tổ chức tôn giáo. Việc giãn cách xã hội và công tác phòng chống dịch cũng đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều đó đòi hỏi các DN trong Tập đoàn DMVN cần có giải pháp phòng dịch hiệu quả, đảm bảo tính liên tục trong sản xuất, bởi giữ được sản xuất là giữ được sự sống còn của doanh nghiệp.

Do đó, tại các doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex cần nghiêm túc thực hiện 5K, khối văn phòng giữ hoạt động luân phiên, 50% CBNV làm việc tại nhà, 50% làm việc tại văn phòng, đảm bảo thông suốt hoạt động KD. Với các nhà máy Sợi – Dệt – May có lực lượng lao động đông đảo từ hàng trăm đến vài ngàn người, thì vẫn phải đảm bảo công nhân bám nhà máy sản xuất, đặc biệt trong thời gian cao điểm cần hoàn thành các đơn hàng đúng hạn. Ngoài giải pháp 5K áp dụng cho công nhân, các đơn vị cũng cần lưu ý đến các đối tượng như các nhà thầu phụ (ví dụ các đơn vị không có bếp nấu ăn phải thuê dịch vụ đưa thức ăn từ bên ngoài vào nhà máy) thì không được phép để họ tiếp xúc trực tiếp với NLĐ. Đối với các đơn vị May cũng cần đảm bảo an toàn SX, giãn cách theo hướng dẫn khi có bên đánh giá tiêu chuẩn nhà máy hoặc trách nhiệm xã hội, kiểm hóa tới làm việc. Cần để họ làm việc trong khu vực cách xa công nhân của đơn vị, đảm bảo công nhân không phải tiếp xúc với người lạ, không để mầm bệnh lọt vào khu vực nhà máy.

Với đội lái xe vận chuyển hàng ra vào khu vực nhà máy, cần kiểm soát chặt chẽ người lái xe, khi có kết quả test Covid-19 âm tính mới được vào nhà máy. Ngoài ra, cần kiểm tra tuyến đường họ đi có qua các vùng dịch hay không, những nơi họ dừng lại ăn uống dọc đường…

Công tác thông tin hàng ngày về tình hình Covid-19 cần được thực hiện giữa cơ quan điều hành Tập đoàn và lãnh đạo các nhà máy. Khi có tình hình diễn biến xấu, các lãnh đạo nhà máy cần bàn bạc với cơ quan điều hành Tập đoàn để đưa ra giải pháp khẩn cấp cho SXKD, đảm bảo đơn hàng vẫn được thực hiện cho khách hàng.

Từ tháng 6 đến tháng 8/2021 là thời điểm căng thẳng đối với các DN May trong việc hoàn thành và giao hàng, chúng ta tuyệt đối không để dịch bệnh khiến việc SXKD trong đơn vị bị ngưng trệ. Tập đoàn cũng đã thành lập Ban Vaccine do Tổng Giám đốc là Trưởng Ban, Đ/c Cao Hữu Hiếu – Phó Tổng Giám đốc làm Phó Ban, phối hợp với Bệnh viện Dệt May để có nguồn vaccine phòng Covid-19 tiêm cho CBCNV các DN trong Tập đoàn. Ngày 27/5/2021, Tập đoàn đã có văn bản gửi các đơn vị thành viên thống kê số lượng CBCNV để Tập đoàn tổng hợp số lượng báo cáo Bộ Y tế. Đề nghị các đơn vị gửi báo cáo số lượng CBCNV cần tiêm phòng Covid-19 về Tập đoàn trước ngày 03/6/2021.

Như vậy, trong thời gian trước mắt này, chúng ta cần thực hiện công tác phòng dịch ở mức cao. Sau đó, cùng với giải pháp 5K và tiêm vaccine phòng Covid-19, chúng ta tin rằng có thể đảm bảo lực lượng để hoạt động SXKD của các DN thành viên Tập đoàn được thông suốt, liên tục, hoàn thành mục tiêu của Tập đoàn đề ra trong năm 2021.

Ông Đặng Vũ Hùng

Tổng Giám đốc Vinatex

 

 
 Nguồn: Vinatex.com