Cần có chính sách rõ ràng
Trường hợp DN chế xuất gia công cho thương nhân nước ngoài, khi kết thúc hợp đồng gia công, DN phát sinh một số phế liệu, phế phẩm (trong và ngoài định mức) và một số nguyên liệu dư thừa. Đối tác thuê gia công đồng ý cho DN tiêu hủy toàn bộ (không thu hồi) phế liệu phế phẩm và nguyên liệu dư thừa trên tại Việt Nam. Công ty được tiêu hủy phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu vật tư dư thừa trên không? Nếu tiêu hủy DN cần làm những thủ tục gì và có phải nộp thuế nhập khẩu, thuế GTGT không?
Trường hợp DN gia công hàng may mặc cho đối tác nước ngoài, trong quá trình sản xuất có các phế liệu nằm trong tỷ lệ hao hụt và DN bán các phế liệu đó cho công ty thu gom rác.
Theo điểm 2, công văn 14475/BTC-TCHQ thì từ 1/9/2016 thì phế liệu, phế phẩm tiêu thụ nội địa phải kê khai nộp các loại thuế khác cho cơ quan Hải quan. DN thắc mắc: Trong khi thực hiện hợp đồng gia công DN có được bán phế liệu không hay khi kết thúc hợp đồng gia công và thanh khoản hợp đồng đó mới được bán? Nếu kê khai với Hải quan thì kê khai như thế nào? Khi thanh khoản hợp đồng gia công thì DN sẽ chuyển chứng từ đã nộp thuế cho cơ quan Thuế về hải quan của hợp đồng đó từ 1/9/2016 đến 26/10/2017 về việc bán phế liệu?
Nhiều DN cũng có chung thắc mắc: Nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK dư thừa được phép tiêu hủy tại Việt Nam và thực tế đã tiêu hủy có được coi là nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK được sử dụng để thực hiện hợp đồng gia công XK không? Sản phẩm gia công không XK được phép tiêu hủy tại Việt Nam và thực tế đã tiêu hủy có được miễn thuế NK không?
Liên quan đến chính sách thuế đối với phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa DN, Hiệp hội VASEP cũng đã có công văn nêu vướng mắc của DN khi xác định và xử lý 3% nguyên liệu dư thừa trong hợp đồng gia công. Trong đó cho biết, nếu DN thủy sản thực hiện cách tính và xử lý nguyên liệu dư thừa theo Nghị định 134 thì DN không thể đáp ứng được. Vì thông thường trong quá trình sản xuất gia công thì phế liệu, phế phẩm thủy sản đã chiếm tỷ lệ khoảng 50% tổng lượng nguyên liệu, vật tư thực NK. Do đó, quy định theo khoản 4 điều 10 của Nghị định 134 bao gồm cả phế liệu, phế phẩm và nguyên vật liệu dư thừa không quá 3% là không phù hợp.
Với đặc thù của ngành thủy sản, Hiệp hội VASEP kiến nghị sửa đổi quy định tại Điều 12 Nghị định số 134 theo hướng miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên phụ liệu đưa đi gia công tại cơ sở sản xuất khác và đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu bị tiêu hủy, trên cơ sở bình đẳng giữa loại hình sản xuất xuất khẩu và loại hình gia công.
Trả lời những vướng mắc của DN, Tổng cục Hải quan đã có những giải đáp và hướng dẫn các DN thực hiện chính sách thuế đối với phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa theo quy định của Luật Thuế XK, thuế NK và Nghị định 134. Tuy nhiên, ghi nhận những kiến nghị, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị đưa vào nội dung sửa đổi Nghị định 134 cho phù hợp với thực tế.
Bỏ quy định miễn thuế 3%
Từ thực tế hoạt động XNK cũng như đánh giá tác động của chính sách thuế đối với hoạt động quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan phân tích, tại khoản 4 Điều 10 quy định: “Phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng của từng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế nhập khẩu khi tiêu thụ nội địa, nhưng phải kê khai nộp thuế Giá trị gia tăng (GTGT), thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) (nếu có) cho cơ quan Hải quan” tuy nhiên, quy định này chưa rõ tỷ lệ 3% áp dụng cho riêng nguyên liệu vật tư dư thừa hay áp dụng cho cả phế liệu, phế phẩm.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng cho rằng, việc quy định tỷ lệ 3% áp dụng thống nhất cho các ngành nghề gia công XK là không phù hợp do đặc thù các ngành khác nhau (trong nghành chế biến xuất khẩu thuỷ sản: Thông thường phế liệu, phế phẩm thủy sản chiếm tỷ lệ khoảng 50% tổng lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, trong ngành dệt may, số lượng nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công nhiều hơn 3% tổng lượng nhập khẩu, chẳng hạn là 4,5% tổng lượng nhập khẩu). Quy định này cũng mở rộng so với quy định của Luật Thuế XK, thuế NK.
Trong quá trình xử lý vướng mắc, có nhiều ý kiến về việc kê khải nộp thuế GTGT, TTĐB đối với tỷ lệ 3% (Tập đoàn Dệt may Việt Nam đề nghị không phải kê khai thuế GTGT, thuế TTĐB (nếu có) đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa (trong phạm vi 3% hao hụt cho phép) nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong nước tiết kiệm, có điều kiện tăng khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập ngay trên chính thị trường nội địa, góp phần giảm tình trạng nhập siêu của nước ta).
Theo pháp luật Hải quan, việc quyết toán hàng hoá NK để gia công XK thực hiện theo định mức thực tế sản xuất bao gồm cả phế liệu, phế thải, phế phẩm trong định mức thực tế sản xuất. Vì vậy, căn cứ pháp luật Hải quan, Luật Thuế XK, thuế NK, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 10 theo hướng bỏ quy định miễn thuế 3% đối với phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã NK để gia công.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 10 Nghị định 134, hàng hoá NK để gia công nhưng được phép tiêu huỷ tại Việt Nam và thực tế đã tiêu huỷ được miễn thuế NK, do vậy, sau khi hàng hoá đã tiêu huỷ là đã chấm dứt việc quản lý của cơ quan Hải quan. Sau khi tiêu huỷ thu được sản phẩm mới thì sản phẩm mới là sản phẩm được sản xuất tại thị trường trong nước, nếu XK thì phải chịu thuế XK theo quy định của pháp luật thuế XNK và nếu bán cho tổ chức cá nhân khác thì chịu thuế GTGT, TTĐB, BVMT theo quy định của pháp luật thuế GTGT, BVMT (nếu có).
Vì vậy, với những phân tích của Tổng cục Hải quan, tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 134, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ quy định rõ việc thu thuế XK đối với sản phẩm mới theo mức thuế suất và trị giá tính thuế của sản phẩm mới quy định tại thời điểm đăng ký tờ khai hàng hoá XK.
Cụ thể, theo dự thảo Nghị định sửa đổi nêu trên, thì hàng hóa NK để gia công nhưng được phép tiêu hủy tại Việt Nam và thực tế đã tiêu hủy; sản phẩm gia công XK theo hợp đồng gia công được miễn thuế XK, thuế NK theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 nếu đáp ứng các quy định về cơ sở miễn thuế nêu tại điểm 2 Điều 10 dự thảo nêu trên.
Trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK được miễn thuế là trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK theo định mức thực tế sản xuất (bao gồm trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện thực tế đã tiêu hủy) để sản xuất sản phẩm gia công thực tế XK được xác định khi quyết toán việc quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK để gia công sản phẩm XK theo quy định của pháp luật về hải quan.
Trường hợp hàng hóa NK để gia công quy định tại khoản 1 Điều 10 dư thừa phải tái xuất hoặc chuyển sang thực hiện gia công chuyển tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương hoặc được phép tiêu huỷ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 10 hoặc được sử dụng làm quà biếu, quà tặng theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 10 khi nộp báo cáo quyết toán hoặc hết thời hạn thực hiện hợp đồng gia công (đối với trường hợp không phải thực hiện quyết toán theo quy định của pháp luật hải quan hoặc hiệu lực Hợp đồng gia công kết thúc trước thời điểm báo cáo quyết toán).
Khoản 4 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung như sau: “Phế liệu, phế thải, phế phẩm nằm trong định mức thực tế sản xuất được miễn thuế NK khi tiêu thụ nội địa nhưng phải kê khai nộp thuế Giá trị gia tăng, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan Hải quan theo thuế suất và trị giá tính thuế của phế liệu, phế thải, phế phẩm theo Mẫu số 15 tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp nguyên liệu, vật tư, linh kiện, phế liệu, phế thải, phế phẩm sau khi tiêu huỷ thu được sản phẩm mới sau đó XK thì phải kê khai nộp thuế XK theo mức thuế suất và trị giá tính thuế của sản phẩm mới theo quy định tại thời điểm đăng ký tờ khai hàng hoá XK”. |
Theo vietnamtextile.org.vn