Tin trong ngành

Chủ tịch VITAS tham dự Hội thảo về Hiệp định CPTPP và EVFTA tại TP. HCM

11-08-2018

Ngày 02/08/2018, tại tòa nhà số 10 Nguyễn Huệ, Q. 1, TP. HCM, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương đã tổ chức hội​ thảo “Hiệp định CPTPP và EVFTA - Những tác động đối với ngành dệt may Việt Nam". Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã tham dự và phát biểu khai mạc.

Mục đích của hội thảo để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về tình hình ngành dệt may Việt Nam, những vấn đề cơ bản của các hiệp định CP TPP, EVFTA và những tác động đối với ngành dệt may Việt Nam. Hơn 80 đại biểu đến từ các doanh nghiệp (DN) dệt may khu vực phía Nam đã tham dự hội thảo.

 

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS đã thông báo tóm tắt về tình hình ngành dệt may Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018, những thời cơ và thách thức đối với các DN dệt may trong thời gian tới. Theo ông Vũ Đức Giang, mặc dù cả 2 Hiệp định CP TPP và EVFTA chưa chính thức có hiệu lực nhưng đã tạo ra sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào nguồn cung ngành dệt may Việt Nam. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, dệt may Việt Nam đã thu hút được 2,8 tỷ USD từ nguồn vốn FDI, đưa lũy kế đầu tư nước ngoài vào ngành đạt khoảng 17,5 tỷ USD.

 

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS phát biểu khai mạc

Về chiến lược về dài hạn, Ông Giang đã phân tích về 5 yếu tố mà cộng đồng doanh nghiệp phải chú trọng. Đó là phải đào tạo nguồn lực, nếu cộng đồng doanh nghiệp không quan tâm, sẽ không đủ nguồn lực vào sân chơi này. Thứ hai là phải chuyển dịch sản xuất, phải làm từ thiết kế, nguyên liệu trong nước thì mới lấy được lợi ích của các FTA này. Thứ ba là phải xây dựng chuỗi liên kết hợp tác. Thứ tư là triển khai hiệu quả các dự án đầu tư, đầu tư bài bản hiệu quả. Thứ năm là phải đầu tư công nghệ, có giải pháp chiến lược, nếu không thì không đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn.

 

Ông Vương Đức Anh - Cục XNK, Bộ Công Thương phát biểu

Tại hội thảo các đại biểu đã được nghe Ông Vương Đức Anh – Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại - Cục Xuất Nhập Khẩu, Bộ Công Thương giới thiệu khái quát nội dung của 2 Hiệp định CPTPP và EVFTA và những vấn đề liên quan đến ngành dệt may, đặc biệt là các quy tắc xuất xứ, nguồn cung thiết hụt, tự chứng nhận xuất xứ, các biện pháp tự vệ, chương trình đăng ký của DN dệt may… Sau khi dự báo về triển vọng của một số thị trường nằm trong CPTPP và EVFTA,  Ông Vương Đức Anh cho rằng, cơ hội với ngành dệt may Việt Nam khi các Hiệp định này có hiệu lực là rất lớn. Tuy nhiên, để được hưởng những lợi ích từ các FTA trên, DN dệt may Việt Nam phải vượt qua không ít những khó khăn, thách thức. Ông Vương Đức Anh cũng khuyến cáo các DN cần chủ động trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh trong trung và dài hạn, điều chỉnh lại nguồn cung nguyên liệu phù hợp với yêu cầu xuất xứ của từng thị trường. Trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu thì lợi thế cạnh tranh về thuế quan chỉ mang tính giai đoạn, DN Việt Nam cần phải nhanh chóng đổi mới công nghệ để có thể tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu mới có thể phát triển bền vững.

 

Đại biểu DN trao đổi tại hội thảo

Qua hội thảo, đa số đại biểu các DN cũng đều thống nhất rằng, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ các FTA là rất lớn, song việc biến cơ hội thành hiện thực là tùy thuộc vào chiến lược của từng DN. Vì vậy, mỗi DN cần tự chủ động tìm hiểu thông tin, các cam kết trong các FTA để xác định chiến lược đầu tư, giải pháp kinh doanh phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, các DN cũng cần tăng cường liên kết, hợp tác để nâng cao sức cạnh tranh của mỗi DN cũng như của ngành dệt may Việt Nam.

Theo vietnamtextile.org.vn