Trong tương lai rất gần, hàng hóa dệt may sẽ phải dán nhãn carbon, đóng các loại phí, thuế phát thải khí nhà kính… Nếu muốn thâm nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, các doanh nghiệp DMVN không còn cách nào khác là phải cập nhật xu hướng công nghệ xanh, cạnh tranh tốt kể cả với các tiêu chí mới.
Để giúp các DN hội viên nhận thức rõ xu hướng công nghệ xanh, Hiệp hội DMVN (VITAS) thời gian qua đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, cung cấp nguồn thông tin hữu ích cùng giải pháp để DN DMVN trở nên xanh hơn trong cạnh tranh.
Chúng ta cùng trò chuyện với ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS về vấn đề này.
Quyết liệt hơn trong tiết kiệm năng lượng
- Thưa ông, theo thống kê, mỗi năm Việt Nam chi phí 3 tỷ USD năng lượng cho SX dệt may. Đó là một trong những lý do khiến cho sản phẩm của chúng ta bị đội giá cao lên, giảm khả năng cạnh tranh. Vậy thì VITAS có động thái nào giúp giảm con số nói trên và giúp DN DMVN nhận thức rõ hơn, cũng như có hành động quyết liệt hơn để tiết kiệm năng lượng?
- VITAS đã tổ chức những sự kiện mang tính thông tin khoa học cao như các hội thảo. Đặc biệt là mới đây Hội thảo “Xây dựng Thương hiệu - Môi trường dệt may bền vững thông qua các giải pháp tiết kiệm năng lượng” đã thu hút được các tham luận giá trị từ Hiệp hội Dệt May VN, đại diện của Cơ quan hợp tác phát triển Hoa Kỳ - chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam US - AID VLEEP, đại diện của Cơ quan Hợp tác phát triển Cộng hòa Liên bang Đức - Dự án NAMA dệt may, đại diện của Tổ chức Vươn tới đỉnh cao – IDH Việt Nam. Các tham luận tập trung đưa ra các giải pháp về công nghệ, quản trị môi trường, tiết kiệm chi phí năng lượng trong sản xuất - kinh doanh, xây dựng thương hiệu dệt may, mang lại lợi ích sâu và bền vững. Các chuyên gia tham luận trong Hội thảo cũng chia sẻ các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật dành cho doanh nghiệp dệt may, thông tin về gói tài chính ưu đãi đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng và tư vấn tiếp cận nguồn vốn vay cho các dự án tiết kiệm năng lượng.
- Thưa ông, chúng ta đều biết rằng công nghệ xanh - sạch - năng lượng tái tạo đang trở thành xu hướng tất yếu, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Nhưng các giải pháp mà Hội thảo nói trên đưa ra liệu được DN áp dụng đến đâu?
- Tôi đánh giá cao các tổ chức phi chính phủ, các diễn giả và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề tiết kiệm năng lượng. Thực tế, Ngành DMVN đang đứng trước những cơ hội, thách thức mới trong tiến trình hội nhập. Công nghiệp DMVN đã và đang chịu áp lực cạnh tranh ác liệt trên thị trường thế giới về chất lượng sản phẩm, chi phí sản xuất, thời gian giao hàng, độ an toàn cho người tiêu dùng và đặc biệt là sự an toàn cho chính người lao động trong quá trình SX làm ra sản phẩm, an toàn cho môi trường, xã hội. Do đó, các chủ DN cần ý thức sự sống còn của DN là phải ứng dụng được các giải pháp tiết kiệm năng lượng mới vào thực tiễn sản xuất, các giải pháp SX an toàn cao nhất cho môi trường. Với từng DN có cách vận dụng phù hợp riêng. Trong quá trình triển khai cần có sự vào cuộc của chủ DN, chuyên gia, nhà cung cấp và các kỹ thuật viên tại DN.
Cạnh tranh xanh là vấn đề sống còn
- Vậy theo ông, các chủ DN DMVN sau những sự kiện Hội thảo do VITAS tổ chức, có thực sự coi tiết kiệm năng lượng là yếu tố sống còn cho DMVN phát triển, hội nhập bền vững trong thời gian tới hay không?
- Thực ra hiện nay các chủ DN đều rất băn khoăn về những rào cản mới sẽ hình thành trong tương lai gần, liên quan đến năng lượng xanh. Dấu hiệu mới nhất là trong Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 23 năm 2017 vừa qua, có một diễn đàn công nghiệp thời trang tập hợp 50 DN hàng đầu về thời trang TG ra tuyên bố về tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải nhà kính, dán nhãn carbon hàng hóa. Họ cam kết từ nay đến 2030 sẽ có một số ngành hàng, lĩnh vực thực hiện 100% tái chế, không bỏ đi bất cứ thứ gì. Đó là dấu hiệu mà các DN DMVN cần lưu ý. Rào cản về dán nhãn carbon sẽ sớm hình thành tại các thị trường lớn như Mỹ, EU… trong đó yêu cầu dán nhãn carbon trên sản phẩm, dây chuyền công nghệ, nhà máy. Các nhà mua sẽ phải đánh giá DN đủ tiêu chuẩn mới đặt hàng. Do đó mà cạnh tranh xanh phải là vấn đề sống còn của DN.
- Có một số DN dệt may ở các KCN Đồng Nai, Bình Dương trao đổi rằng, các đối tác yêu cầu họ nên sớm xác định trong quy trình SX ra một mét vải, một áo, hay quần, sẽ ứng với việc làm phát thải bao nhiêu khí nhà kính/đơn vị sản phẩm, để công bố trên nhãn mác. Họ phân vân là chưa có tổ chức nào đứng ra về phương pháp luận, về cách tính cho chuẩn toàn cầu. Vậy VITAS và các tổ chức mà mình cộng tác có chuẩn bị sẵn phương án giúp DN DMVN ứng phó vấn đề này trong tương lai rất gần hay không?
- Nền công nghiệp DM TG đang bước vào giai đoạn công nghệ 4.0 đòi hỏi khả năng đầu tư mạnh cho phát triển của các DN, tạo ra sự khác biệt trong tiến trình hội nhập, phù hợp khả năng, thêm những đòi hỏi từ các điều khoản trong các Hiệp định thương mại thế hệ mới. Đặc biệt là Hiệp định CPTPP, các FTA với Nhật Bản, Hàn Quốc, và các Hiệp định đang đàm phán, chuẩn bị có hiệu lực. Đó là thách thức nhưng cũng có khả năng mang lại cơ hội lớn cho cộng đồng các doanh nghiệp DMVN. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cam kết giảm phát thải nhà kính từ nay đến 2030. Ngoài việc nâng cao năng lực cạnh tranh của từng DN về chất lượng sản phẩm (SP), giá SP, thời gian giao hàng, thì chỉ tiêu về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường sẽ góp phần quyết định SP của ta có thâm nhập được vào thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường lớn, danh tiếng như Mỹ, EU hay không. Chúng ta phải tìm ra giải pháp phù hợp để đầu tư công nghệ quản trị, môi trường và tiết kiệm chi phí năng lượng. Về việc tính lượng phát thải nhà kính trên một đơn vị sản phẩm hiện nay ở Việt Nam chưa có đơn vị nào đứng ra tính toán, nhưng chúng tôi tin rằng, trong tương lai không xa, khi thị trường thế giới áp luật cho vấn đề này thì nhất định chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng.
- Ông nhận xét thế nào về khả năng thích ứng của DN DMVN trong cạnh tranh xanh?
- Tôi cho rằng đó là tín hiệu vui khi DN DMVN có quan tâm đến tăng trưởng xanh. Thời điểm này và trong tương lai gần, cạnh tranh xanh trở thành hoạt động trọng tâm trong xu thế phát triển DN. Nhiều dự án quốc tế trong lĩnh vực năng lượng xanh, bảo vệ môi trường đang được triển khai và DN DMVN có thể tham gia. VITAS đã và đang xây dựng mối quan hệ mật thiết với các tổ chức phi chính phủ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… để kết nối thuận lợi với cộng đồng các doanh nghiệp DMVN trong việc vận dụng các giải pháp công nghệ xanh vào thực tiễn SX và tạo ra sự thay đổi, sự khác biệt.
- Xin cảm ơn ông!
Theo vinatex.com