Đánh giá hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp từ ngành dệt may
02-04-2018
Hiệu quả của doanh nghiệp không chỉ được đo bằng lợi nhuận. Để bảo đảm tính khách quan, toàn diện và đánh giá một cách đầy đủ hơn về đóng góp của doanh nghiệp vào nền kinh tế, cần có cái nhìn tổng hợp hơn thông qua cả những đóng góp xã hội. Với cách nhìn này, những nhà hoạch định chiến lược có thể đưa ra những quyết sách chính xác ở tầm vĩ mô, tạo động lực cho đất nước phát triển theo hướng bền vững cả về kinh tế lẫn an sinh xã hội.
Đối diện mâu thuẫn giữa ứng dụng công nghệ và giải quyết việc làm
Trước hết phải nói rằng Việt Nam là một nước nông nghiệp đang trong quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, vì vậy việc giải quyết lao động dôi dư từ lĩnh vực nông nghiệp là vấn đề hết sức cấp bách. Bên cạnh đó, do là nước đi sau, chúng ta vừa được hưởng lợi thế về khoa học - công nghệ, đồng thời lại bị chính những lợi thế đó gây áp lực lên mục tiêu giải quyết việc làm cho số đông nông dân với trình độ tay nghề thấp, thói quen lao động công nghiệp chưa được hình thành, và đặc biệt là chưa có đóng góp vào hệ thống an sinh xã hội để bảo đảm được hưởng bảo hiểm khi hết tuổi lao động. Vì vậy, trong quá trình phát triển của mình, Việt Nam cùng một lúc phải giải quyết 2 vấn đề: ứng dụng khoa học - công nghệ để đạt được năng suất lao động cao tương đương với các nước trong khu vực và trên thế giới trong cùng một ngành hàng; đồng thời, xử lý tốt được việc làm để tạo nguồn thu nhập cho đông đảo người lao động với trình độ thấp. Việc nghiên cứu sâu ngành dệt may cũng là nhằm giải quyết 2 nhiệm vụ này của nền kinh tế.
Chỉ riêng trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 28 tỷ USD, gấp 4 lần so với xuất khẩu dầu thô (6,962 tỷ USD) và gấp 5,4 lần so với xuất khẩu gạo. Số liệu này cho thấy, ngành dệt may có vị trí rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của nước ta. Để hình thành được tổng kim ngạch hơn 28 tỷ USD là kết quả phấn đấu của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam bao gồm cả doanh nghiệp (DN) nhà nước, DN FDI và DN của các thành phần kinh tế khác. Qua việc phân tích số liệu của Vinatex, đặt trong bối cảnh tác động của kinh tế thế giới cũng như các chính sách điều hành trong nước, chúng ta đánh giá toàn diện về hiệu quả hoạt động của DN nói riêng cũng như ngành dệt may nói chung.
Hiện nay, thị trường chủ yếu của dệt may Việt Nam là các quốc gia phát triển có trình độ khoa học - công nghệ rất cao, năng suất lao động đạt gần tới mức tối đa của khả năng con người như Mỹ, EU, Nhật Bản, và một số nước mới nổi như Hàn Quốc, ASEAN, Trung Quốc (đây là những thị trường mà kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam lớn hơn 1 tỷ USD). Điều này phần nào cho thấy sự thành công của ngành dệt may khi thâm nhập vào các thị trường khó tính, song sức ép cạnh tranh là rất lớn để giữ vững và mở rộng thị phần.
Đối với Vinatex, là DN nhà nước có kim ngạch xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD trong năm 2017, chiếm hơn 13% tỷ trọng của toàn ngành. Riêng năm 2017, đơn giá của các loại mặt hàng như quần âu, áo sơ mi giảm 5%, nhưng chi phí cho người lao động trong năm tăng do quyết định của Chính phủ về nâng lương cơ bản; giá dịch vụ y tế, giáo dục tăng; trong khi tỷ giá VNĐ so với các đồng ngoại tệ khác đều ổn định… tạo gánh nặng không mong muốn lên việc hạch toán của các DN xuất khẩu. Đối với Vinatex, chi phí do các khoản tăng trong nước lớn hơn so với năm 2016 khoảng 400 tỷ đồng. Để khắc phục các chi phí tăng, Vinatex đề ra các biện pháp để nâng cao năng suất lao động thông qua việc đầu tư các dây chuyền tự động hoá ở một số khâu và chuyên môn hoá tay nghề của người lao động, nhưng cũng chỉ tạo ra được nguồn bù đắp cho các khoản chi phí tăng thêm khoảng 250 tỷ đồng. Như vậy, Tập đoàn vẫn bị sụt giảm lợi nhuận khoảng 140 - 150 tỷ đồng so với năm 2016. Với tổng số lao động bao gồm lao động tại các công ty thành viên, công ty liên kết lên tới 126.000 người, đây là bài toán nan giải. Vì nếu đẩy nhanh quá trình tự động hoá, sẽ đẩy một bộ phận người lao động trở thành thất nghiệp, hoặc vẫn giữ giá gia công cao như năm 2016 thì sẽ mất thị phần vào tay các nước có bối cảnh tương tự Việt Nam như Băng-la-đét, Mi-an-ma, Cam-pu-chia…
Năm 2017, Vinatex nộp ngân sách 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận cũng chỉ đạt 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, quỹ lương cho người lao động luôn gấp khoảng 20 lần lợi nhuận. Bởi, chỉ tính riêng lương trung bình hằng tháng của người lao động tại Tập đoàn đã đạt 7,2 triệu đồng, cộng với tháng lương thứ 13, thưởng Tết, phí các loại,... tổng chi phí lương cho 1 người lao động ngành dệt may dao động từ 110 - 120 triệu đồng/năm. Với số lao động 126.000 người, toàn Tập đoàn chi khoảng 15.000 tỷ đồng cho quỹ lương. Từ đó cho thấy, tổng số tiền đóng góp vào chi tiêu xã hội (nộp ngân sách, lợi nhuận và quỹ lương) lên đến gần 17.500 tỷ đồng trên số vốn chủ sở hữu 5.000 tỷ đồng. Nếu xét trên số vốn chủ sở hữu, Tập đoàn đang đem lại 3,5 đồng thu nhập trên 1 đồng vốn, nhưng Vinatex đã cổ phần hóa và Nhà nước chỉ còn chiếm 53,49%, tương đương 2.674 tỷ đồng.
Trong toàn bộ nền kinh tế của một quốc gia, mỗi ngành đều có những đóng góp riêng, mang tính chất đặc thù và không thể thiếu. Có ngành mang lại nguồn thu lớn, đóng góp ngân sách lớn, bên cạnh đó lại đòi hỏi sự đầu tư vốn lớn. Có ngành tuy mang lại nguồn thu ngân sách khiêm tốn, song lại tạo ra nhiều việc làm, đem lại đóng góp ý nghĩa cho an sinh xã hội. Nếu nhìn vào Vinatex chúng ta thấy tính dẫn dắt và hiệu quả đầu tư của nguồn vốn nhà nước tại DN là đáng để xem xét: với hơn 2.000 tỷ đồng đã huy động được thêm 2.674 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội, tạo ra đóng góp thực cho nền kinh tế 17.500 tỷ đồng, và tạo việc làm cho 126.000 lao động. Bảng so sánh với một số ngành khác tại Việt Nam dưới đây sẽ làm rõ ý nghĩa này:
Biến hạn chế thành lợi thế
Qua số liệu của bảng tính trên, có thể thấy, 5 tập đoàn kinh tế chủ chốt của đất nước, chia thành nhóm các tập đoàn sử dụng nguồn lực từ tài nguyên thiên nhiên của đất nước như dầu khí và than – khoáng sản, có tỷ suất lợi nhuận cao nhất, khi với 1 đồng vốn đầu tư lần lượt tạo ra được 0,75 và 0,77 đồng vốn thu nhập. Nhóm các tập đoàn làm công tác dịch vụ - thương mại như Tổng Công ty Hàng không có lợi nhuận cao nhất khi 1 đồng vốn chủ sở hữu đã tạo ra được 2,33 đồng thu nhập. Trong khi đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam do phương thức sản xuất theo nguyên tắc giá bán sản phẩm do Nhà nước quy định trên cơ sở cân đối hài hoà với các ngành kinh tế khác, tức là có sự can thiệp của Nhà nước vào giá bán của sản phẩm, nên 7 đồng vốn chủ sở hữu mới tạo ra được 1 đồng lợi nhuận. Tập đoàn Dệt May và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là đơn vị sản xuất đồng thời cũng là đơn vị kinh doanh, cho nên việc hình thành thu nhập nằm ở mức trung bình. Nếu xét về mặt đóng góp xã hội thì quỹ lương của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Than – Khoáng sản và Tập đoàn Dệt May lần lượt là 24.000 tỷ đồng, 13.200 tỷ đồng và 15.000 tỷ đồng. Như vậy, các tập đoàn này ngoài lợi nhuận ròng nộp ngân sách còn có một khoản gián tiếp rất lớn bảo đảm cho tổng cầu của nền kinh tế phát triển và góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Nhìn tổng thể của nền kinh tế, nếu sử dụng các khái niệm tổng vốn đầu tư của chủ sở hữu, số việc làm được tạo ra trong quá trình công nghiệp hóa, có thể thấy rằng, việc phát triển những ngành sử dụng nhiều lao động cùng với việc phát triển những ngành sử dụng công nghệ cao, đòi hỏi vốn đầu tư lớn là 2 mặt tất yếu của việc hoạch định chính sách vĩ mô.
Mâu thuẫn trong giải quyết lao động, việc làm chính là điểm đặc thù riêng, cũng chính là vấn đề khách quan và hạn chế của nền kinh tế đang công nghiệp hóa như Việt Nam. Nếu không giảm số lao động, tăng năng suất để giảm chi phí, khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế sẽ ngày càng suy giảm và dần dẫn tới đóng cửa DN do mất thị phần. Nhưng, nếu giảm số lao động một cách đột ngột, sẽ đẩy hàng nghìn người vào cảnh không có việc làm, ảnh hưởng lớn tới vấn đề an sinh xã hội. Với hiệu quả hoạt động như đã phân tích ở trên, có thể nói ngành dệt may đang giải quyết khá hài hòa vấn đề này.
Như vừa phân tích, tổng lợi nhuận của Vinatex chỉ bằng khoảng 5% tổng quỹ lương, hay nói cách khác, quỹ lương luôn gấp 20 lần lợi nhuận. Nếu đầu tư 1 nhà máy với 10.000 công nhân thì tổng mức đầu tư nhà xưởng và thiết bị có độ công nghệ tự động hóa trên 50% là khoảng 50 triệu USD và khoảng 20 triệu USD để bảo đảm nhà máy hoạt động đến điểm hòa vốn. Như vậy, ngay từ năm đầu tiên đi vào hoạt động, nhà máy đóng góp khoản thu nhập thực tế là 1.300 tỷ đồng, bao gồm lương và lợi nhuận, chưa kể đến các khoản chi phí được tạo ra trong quá trình sản xuất như chi phí điện, chi phí nước, chi phí vận tải…
Do đó, nếu chỉ tính hiệu quả khai thác đồng vốn bằng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khi đánh giá hiệu quả đầu tư của một dự án trong ngành dệt may sẽ không đầy đủ, bởi bỏ qua ý nghĩa của việc tạo việc làm và ổn định đời sống cho 10.000 người lao động (nói rộng ra là đời sống của 10.000 hộ gia đình. Vì với tổng thu nhập khoảng 110 triệu – 120 triệu đồng/năm, người lao động có thể lo được cho thêm 1 – 2 người khác trong gia đình). Đây là mức thu nhập rất cao so với những vùng thuần nông.
Như vậy có thể thấy, nếu tính riêng về lợi nhuận, dệt may không phải là ngành mang lại lợi nhuận cao, nhưng chính vì điều đó, Vinatex mới tạo ra được việc làm ổn định cho 126.000 lao động với số vốn chủ sở hữu 5.000 tỷ đồng. Nếu quá chú trọng lợi nhuận, đầu tư dây truyền công nghệ, với số vốn chủ sở hữu trên sẽ chỉ tạo việc làm cho 300 – 400 người, và khi đó Việt Nam sẽ có 125.000 hộ gia đình ở một hoàn cảnh khác hẳn so với hiện tại.
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, việc đánh giá đóng góp của DN vào nền kinh tế cần dựa trên: vốn đầu tư, hiệu quả đầu tư, số lao động giải quyết và đóng góp thực cho nền kinh tế.
So với năm 2016, tình hình kinh tế thế giới năm 2017 diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn. Dù vậy, tình hình chính trị thế giới bất ổn do căng thẳng giữa Mỹ - Bắc Triều Tiên, đàm phán Brexit giữa Anh và EU… vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng phần nào tới tổng cầu dệt may thế giới. Cụ thể, tổng cầu dệt may thế giới năm 2017 đạt 674,3 tỷ USD, giảm 0,85% so với cùng kỳ; trong đó tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của Mỹ năm 2017 giảm 0,2%, EU giảm 0,3%. Đối với thị trường các nước liên minh hải quan do khó khăn trong việc thanh toán (phải thanh toán qua một nước thứ 3 mà không thanh toán được trực tiếp) và thực hiện Hiệp định CPTPP, nên chưa thể mở rộng sang các thị trường tiềm năng như Úc – dự tính có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Nếu xét đến khía cạnh cách mạnh 4.0 trong lĩnh vực dệt may, cần phải xem xét đồng bộ yếu tố thị trường và yếu tố khoa học - công nghệ. Với trình độ phát triển khoa học - công nghệ hiện nay, nhiều hãng sản xuất trên thế giới có thể chế tạo ra dây chuyền tự động hóa các sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật không phức tạp như áo phông với số lượng lớn, nhờ đó giá thành gia công hạ, nhưng thị trường lại không chấp nhận việc có hàng triệu sản phẩm giống nhau mà không tính đến yếu tố địa lý, khí hậu và sở thích của khách hàng. Vì vậy, trong một số năm tới, việc áp dụng khoa học - công nghệ với rô-bốt có trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực dệt may sẽ bước đầu được áp dụng ở một số khâu như sợi, dệt, và một số khâu trong giai đoạn đầu của lĩnh vực gia công may mặc, còn lại vẫn phải sử dụng số lượng lớn nhân công để hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu của các đơn hàng nhỏ phù hợp với thị hiếu, đặc điểm địa lý của từng thị trường. Như vậy, có thể lạc quan nhận định rằng, đối với ngành dệt may, dù áp dụng khoa học - công nghệ, nhưng vẫn không thể thiếu vai trò của người công nhân có tay nghề để tạo sự khác biệt của sản phẩm, gia tăng lợi thế cạnh tranh của nhà sản xuất. Điểm đặc thù này của ngành dệt may sẽ giúp Việt Nam duy trì được lợi thế lực lượng lao động còn tương đối dồi dào. Để đạt được doanh số xuất khẩu từ 50 - 60 tỷ USD vào năm 2021, với trình độ khoa học - công nghệ trong lĩnh vực dệt may như hiện nay, dự kiến cần tới 5 triệu lao động. Đây là vấn đề rất lớn, cần được nghiên cứu và xem xét một cách nghiêm túc trong hoạch định chính sách phát triển công nghiệp của đất nước.
Theo Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), tiền lương cơ bản của công nhân dệt may hiện đạt khoảng 4,3 triệu đồng/tháng, chi phí lương cho 1 công nhân bao gồm: 100% tiền lương; 26,5% cho phép năm, BHXH, BHYT, BHTN; 20-30% cho các khoản không tính vào tăng ca như chuyên cần, xăng xe, con nhỏ, …; 10-15% cho nghỉ lễ, ốm đau thai sản. Như vậy, tổng chi phí của DN bỏ ra sẽ vào khoảng 160 – 180% tiền lương. Từ đó có thể thấy quỹ lương của ngành là khoảng 206.400 tỷ đồng/năm. Đây là khoản đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, bảo đảm tăng tổng cầu và góp phần phát triển thị trường nội địa, bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng bền vững dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.
Như vậy, việc đánh giá hiệu quả đóng góp của DN đối với nền kinh tế và việc hoạch định chính sách phát triển của một ngành công nghiệp từ nay đến khi Việt Nam hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước đòi hỏi một cách nhìn mới, toàn diện cả về kinh tế, xã hội. Việc đánh giá hiệu quả vốn nhà nước tại các DN đã cổ phần hóa trong lĩnh vực dệt may nói riêng và trong ngành kinh tế nói chung, nên triển khai theo hướng này để có thể bảo đảm đúng định hướng mà Cương lĩnh 2011 của Đảng đã đề ra là tiếp tục phát triển kinh tế nhà nước để giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tư nhân là động lực phát triển kinh tế đất nước.
TS, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên
Nguồn: Vinatex.com