Dệt may nguy cơ thụt lùi trong đợt dịch mới
19-06-2021
5 tháng đầu năm, dệt may đã tăng trưởng dương nhưng đợt dịch mới khiến ngành này có nguy cơ trở lại thời kỳ khó khăn, thụt lùi.
Đợt dịch lần thứ 4 đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp với nhiều ổ dịch, nguồn lây và biến chủng. Đặc biệt, TP HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, cũng đối mặt đợt dịch lớn nhất với tổng số ca nhiễm nhiều nhất, từ khi dịch xuất hiện vào đầu năm 2020 đến nay.
Lo ngại dệt may sẽ lao đao nếu dịch bệnh xâm nhập mạnh vào các nhà máy, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM cho rằng, đợt dịch mới đang là mối nguy lớn cho doanh nghiệp ngành này. Hiện dịch đã xâm nhập vài khu công nghiệp và doanh nghiệp TP HCM. Do đó, nếu không may doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng, đơn hàng sẽ chậm lại, công nhân gặp khó khăn vì phải tạm ngưng công việc.
"Hoạt động sản xuất của dệt may hiện tương đối ổn định. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng tới quý III/2021, một vài đơn vị lớn có đơn hàng tới quý IV. Tuy nhiên, dịch bệnh nếu không được kiểm soát kỹ sẽ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của dệt may thụt lùi", ông Hồng lo ngại.
Cũng sợ chuỗi sản xuất có nguy cơ bị đứt gãy, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex cho rằng, đợt dịch này đang khiến doanh nghiệp gặp khó và kinh doanh kém hiệu quả. Hiện, tập đoàn có tới 150.000 lao động trong các doanh nghiệp trên cả nước. Có doanh nghiệp quy mô tới 5.000 người, còn lại phổ biến ở mức 2.000 người tập trung ở một vị trí. Do đó, nguy cơ bị lây lan bệnh dịch trong môi trường sản xuất là rất cao.
Ông Trường cho hay, trong 3 đợt dịch đầu tiên, các doanh nghiệp trong tập đoàn hoàn toàn không có người bị nhiễm bệnh. Nhưng trong đợt dịch này, có doanh nghiệp ở Bắc Ninh và Đà Nẵng có người lao động là F0. "Đây là lần đầu tiên trong 18 tháng có đại dịch, người lao động trong doanh nghiệp thuộc Vinatex nhiễm bệnh, dẫn tới việc doanh nghiệp tại nơi đó phải ngừng sản xuất, bị thiệt hại không nhỏ", ông nói.
Theo ông Trường, năm 2020, khi cả thế giới "vật lộn" trong đại dịch, nhu cầu ngừng lại, người mua ở nhiều nước không nhận hàng đã khiến tập đoàn khó khăn. Đến năm nay, tình hình còn phức tạp hơn khi thế giới đã vận hành bình thường, đã có các hợp đồng, thời gian giao hàng cụ thể, trách nhiệm rõ ràng gắn với nhà sản xuất, thì doanh nghiệp lại lo "vỡ kế hoạch" giao hàng.
"Do đó, nếu xảy ra việc dừng sản xuất, giao hàng chậm, dù là yếu tố khách quan vẫn khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng", ông nói và cho rằng chẳng hạn khi bị chậm trong khâu sản xuất, để rút ngắn thời gian giao hàng, doanh nghiệp phải đổi việc vận chuyển hàng từ đường thủy sang đường hàng không thì chắc chắn sẽ thua lỗ cho đơn hàng đó.
Trong dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 của Bộ Kế hoạch Đầu tư, dệt may được Bộ đánh giá là sẽ còn khó khăn hơn trước đó về nguồn hàng để đảm bảo việc làm và duy trì hoạt động sản xuất. Doanh nghiệp cũng không còn các đơn hàng cũ và nguồn tiền dự phòng giảm dần.
Bộ này cũng cho biết doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may giảm sút nghiêm trọng, khoảng 20% so với năm 2019. Bên cạnh chi phí đầu vào tăng, giá bán đầu ra giảm, chi phí vận chuyển và logictis tăng cao 2-4 lần, thiếu container hàng rỗng. Đặc biệt, lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh trong cả nước không có sự thống nhất do dịch bệnh.
Theo dự báo của các doanh nghiệp, phải đến quý II/2022 hoặc chậm nhất quý IV/2023 thị trường dệt may mới phục hồi về ngưỡng của năm 2019 với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát và doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các FTA.
Công nhân dệt may tại nhà máy ở Long An. Ảnh: Quỳnh Trần.
Để giảm thiệt hại và doanh nghiệp bớt nỗi lo, Vinatex và Hiệp hội May Thêu Đan TP HCM đề xuất, Chính phủ ưu tiên cho người lao động ngành này được tiêm vaccine sớm. Hầu hết đều cho biết, sẵn sàng lo toàn bộ chi phí nếu được tiêm vaccine.
Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may còn mong Chính phủ nới lỏng các gói hỗ trợ về an sinh xã hội để doanh nghiệp dệt may được tiếp cận dễ dàng hơn.
Liên quan các chính sách hỗ trợ này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã đề xuất các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi một số quy định quá khắt khe không phù hợp với thực tế. Theo Bộ này, các quy định cần xây dựng có tính thực tế cao, thủ tục cần nhanh gọn, xác định đúng đối tượng thụ hưởng.
Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu dệt may chỉ đạt 35 tỷ USD, giảm gần 10% so với năm 2019. Đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 5,8 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ 2020. Đơn hàng có nhưng do nhu cầu giảm nên kéo giá giảm theo.
Theo đó, tại thị trường thế giới, tổng cầu sụt giảm 22%, từ 740 tỷ USD xuống còn 600 tỷ USD. Giá nhập khẩu thời trang vào các nước Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc giảm sút ở mức độ chưa từng có trong nhiều thâp kỷ qua. Cụ thể, năm 2020 nhu cầu may mặc của EU và Mỹ giảm lần lượt 45% và 40%. Giá nhập khẩu may mặc vào Mỹ đã giảm 13% so với năm 2019, trong khi đó, mức giảm trung bình của những năm trước chưa tới 1%.
Nguồn:vnexpress.net.