Đoàn Bộ Tài chính Bangladesh thăm Vinatex, trao đổi kinh nghiệm
09-07-2018
Ngày 6/7/2018 tại Văn phòng Vinatex Hà Nội, bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đã tiếp Đoàn Bộ Tài chính Bangladesh tới thăm và trao đổi kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trong ngành dệt may.
Bangladesh và Việt Nam có những nét tương đồng trong lịch sử, khi đều là những nước thuộc địa đã giành được độc lập trong thập niên 70. Ngài Jalal Admed, Thứ trưởng Bộ tài chính Bangladesh, kiêm Giám đốc điều hành Dự án “Nghiên cứu, khảo sát về phát triển kỹ năng nghề” của Bangladesh nói, Bangladesh đã giành được độc lập trước Việt Nam (từ năm 1971), tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam lại phát triển năng động và nhanh hơn Bangladesh. Vì lẽ đó, Đoàn Bộ Tài chính Bangladesh sang thăm Việt Nam, tới Vinatex với mục đích học hỏi kinh nghiệm trong việc phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, trong đó có kỹ năng nghề trong ngành dệt may.
Chia sẻ với Đoàn Bộ Tài chính Bangladesh, bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đã đưa ra những thông tin hữu ích cho phía bạn. Với Vinatex nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, việc phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề người lao động luôn được chú trọng. Chiến lược phát triển nhân sự luôn được sự phối hợp của ba bên: Chính phủ, Hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp. Trong những năm qua, sản xuất dệt may Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức 2 con số, vô cùng ấn tượng, một phần nguyên nhân là ở khâu chuẩn bị nguồn nhân lực đầy đủ và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về tay nghề. Đặc biệt ở Vinatex còn sở hữu 3 trường Đại học, cao đẳng nghề, đào tạo bài bản các kỹ sư, công nhân kỹ thuật và thợ chất lượng cung ứng cho các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn. Ngoài ra, một số doanh nghiệp trực thuộc Vinatex cũng có trường nghề trong doanh nghiệp để đào tạo phục vụ nhu cầu của chính doanh nghiệp. Bên cạnh việc đào tạo bài bản, thì công tác chăm lo cho NLĐ thông qua tổ chức Công đoàn Ngành dệt may cũng được Tập đoàn và Ngành chú trọng. Ngoài lương, các chế độ thưởng và những việc xung quanh cuộc sống của người lao động như: nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, trường học cho con công nhân, chế độ nghỉ mát, học tập, bữa ăn ca, xe đưa đón công nhân, giúp đỡ gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn hoặc trong hoạn nạn… đều được các doanh nghiệp thực hiện chu đáo.
Đại diện phía Bangladesh còn đưa ra nhiều vấn đề về bình đẳng giới, chế độ lương, và sở hữu, cho thấy những khác biệt thú vị với Việt Nam, ví dụ như mức lương tối thiểu ở Bangladesh là 75 USD/tháng, không phân biệt vùng, miền, nhiều lao động nữ ngành dệt may Bangladesh không được tuyển dụng khi doanh nghiệp chuyển sang tự động hóa, chỉ cần người lập trình và người điều khiển máy, Bangladesh vẫn còn Tổng công ty dệt may sở hữu vốn nhà nước 100%... Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện nay lao động nữ vẫn chiếm chủ yếu, tới 75% trên tổng số nhân lực, không có sự phân biệt thu nhập giữa nam-nữ, các khâu cần kỹ thuật cao trong các nhà máy sợi, dệt vẫn do nữ đảm nhiệm, và phần lớn họ đều được đào tạo tại các trường đại học bách khoa hoặc các trường kỹ thuật, và Vinatex đã trở thành Tập đoàn cổ phần, thậm chí có cổ phần của nước ngoài…
Phía Bangladesh cảm ơn Đại diện Vinatex với những chia sẻ hữu ích trong quá trình nỗ lực phát triển, tiến bộ nhanh chóng và tăng trưởng tốc độ. Chắc chắn đây là những bài học kinh nghiệm tốt cho các doanh nghiệp dệt may Bangladesh nghiên cứu, ứng dụng phù hợp.
Theo vinatex.com