Doanh nghiệp dệt may được dời việc dán nhãn hợp quy
08-05-2018
Thay vì phải công bố và dán nhãn hợp quy CR lên các sản phẩm quần áo bán ra thị trường từ 1-5, các doanh nghiệp may mặc được dời thời gian thực hiện đến 1-1-2019.
Doanh nghiệp dệt may đươc dời thời điểm áp dụng quy chuẩn hàng may mặc
Thông báo đăng tải trên trang web của Bộ Công Thương ngày 2-5 cho biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành thông tư 07/2018/TT-BCT sửa đổi ngày hiệu lực của Thông tư 21/2017/TT-BCT, văn bản quy định về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các admin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Theo đó, ngày quy chuẩn có hiệu lực sẽ dời từ 1-5-2018 như quy định cũ sang ngày 1-1-2019.
Việc dời thời điểm thực thi quy chuẩn về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may (gọi tắt là QCVN 01 2017) có thể được coi là “bàn gỡ hòa phút 89” cho các doanh nghiệp dệt may. Bởi lẽ, như chia sẻ của đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam với TBKTSG Online mới đây thì sắp đến thời điểm áp dụng 1-5 mà nhiều nhà sản xuất vẫn rất mơ hồ, thậm chí không biết về quy chuẩn. Nguy cơ hàng hóa không đáp ứng điều kiện lưu thông trên thị trường và bị lực lượng chức năng tịch thu là không ít.
Trong một diễn biến có liên quan, Bộ Công Thương hiện đã chỉ định 7 tổ chức chứng nhận chất lượng sản phẩm dệt may gồm Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lượng chất lượng 3 (Quatest 3 tại TPHCM); Viện Dệt may (có hai cơ sở tại Hà Nội và TPHCM); Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacontrol tại Hà Nội; Hải Phòng; Công ty TNHH Giám định Vinacontrol TPHCM; Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định IQC; Công ty TNHH Intertek Việt Nam (ở Hà Nội và TPHCM) và 1 tổ chức giám định là Công ty cổ phần Giám định và Khử trùng FCC (TPHCM).
QCVN 01 2017 quy định, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trước khi bán hàng hóa ra thị trường nội địa phải công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy (CR) cho sản phẩm.
Bảng hợp quy này phải thể hiện việc sản phẩm có mức giới hạn hàm lượng formaldehyt dưới 30mg/kg (đối với sản phẩm dành cho trẻ em dưới 3 tuổi); 75mg/kg (đối với sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với da) và 300mg/kg (đối với sản phẩm dệt may không tiếp xúc trực tiếp với da). Bên cạnh đó là giới hạn về hàm lượng amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo không vượt quá 30mg/kg.
Theo vinatex.com