Tin trong ngành

Hiệp hội Dệt May kiến nghị trả lương tối thiểu về đúng chức năng

18-07-2018

Năng suất lao động của Việt Nam “đội sổ” khu vực, tốc độ tăng năng suất cũng khiêm tốn ở mức 4,7% giai đoạn 2011 - 2017.

Trong khi đó, lương tối thiểu vùng tăng bình quân đối với các doanh nghiệp trong nước là 20,4%, đối với các doanh nghiệp FDI là 14,4% trong giai đoạn 2008 - 2018. Chính vì vậy, để đảm bảo sức cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp đề nghị tạm dừng điều chỉnh lương tối thiểu trong 2019.
 

 

Theo đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam, năm 2018 và các năm tiếp theo toàn Ngành phải đối mặt với nhiều khó khăn do nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng không tăng. Tổng cầu thế giới về dệt may chỉ tăng 1 - 2% thậm chí không thay đổi. Cạnh tranh gay gắt trên thị trường dệt may toàn cầu. Theo đó, thách thức đối với ngành dệt may đến từ nội bộ Ngành, yếu khâu kéo sợi, dệt vải, nhuộm, năng suất lao động chưa cao, lợi nhuận thấp, thiếu nhân lực cao…Cùng với đó, cơ chế chính sách đã được Chính phủ, Bộ ngành rà soát tháo gỡ nhưng vẫn còn nhiều rào cản cho doanh nghiệp.

“Ăn mòn” lợi nhuận

Trong khi đó, một số nước gần đây tập trung hỗ trợ cho dệt may nước họ như Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu sợi… Còn EU áp dụng mức thuế 0% cho hàng dệt may nhập từ các nước kém phát triển như Campuchia, Myanmar…., Mỹ áp dụng thuế suất ưu đãi 0% cho một số mặt hàng của Campuchia, trong khi dệt may Việt Nam vẫn chịu mức thuế bình quân 17,5% vào thị trường Mỹ, 9,6% vào thị trường EU.

Trong khi đó, chi phí đè nặng lên doanh nghiệp vẫn ngày một tăng. Riêng lương tối thiểu vùng đã tăng thường xuyên trong 20 năm qua, gây áp lực lớn lên doanh nghiệp trong Ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may. Đặc biệt, lương tối thiểu được lấy làm căn cứ lương bậc một, khoảng cách mỗi bậc trong bảng lương lại là 5%. Như vậy, tăng lương tối thiểu đồng nghĩa với tăng đồng loạt cả bảng lương. Đặc biệt với doanh nghiệp trong ngành thâm dụng nhiều lao động như dệt may, tăng lương tối thiểu là tăng nền đóng các khoản trích theo lương, BHXH, tăng chi phí nhân công, giảm lợi nhuận doanh nghiệp.

TS. Futoshi Yamauchi - Chuyên gia WB chia sẻ, tăng lương tối thiểu sẽ dẫn đến tăng lương trung bình, từ đó làm giảm việc làm và giảm lợi nhuận. Cụ thể, khi lương tối thiểu tăng 100%, tỷ lệ lợi nhuận có khả năng giảm 3,25 điểm phần trăm.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho thấy, khi lương tối thiểu tăng 1%, tỉ lệ lợi nhuận trên doanh thu của DN sẽ giảm 2,3%. “Tăng lương tối thiểu nhanh đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Đồng thời, tăng lương tối thiểu sẽ khiến phần chi trả cho các khoản bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng theo thời gian, gây “gánh nặng” chi phí cho doanh nghiệp”, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhấn mạnh.

Bởi theo Viện trưởng VEPR, theo nguyên tắc lương và năng suất lao động phải đi liền với nhau vì lương phản ánh năng suất lao động. Tuy nhiên, tại Việt Nam thì tốc độ tăng lương tối thiểu đang cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động từ 25% năm 2007 lên mức 50% năm 2015. “Quá trình tiền lương thay đổi nhanh hơn năng suất lao động tại Việt Nam tạo sự “biệt lập” so với các nước trong khu vực, khiến Việt Nam dần mất đi lợi thế. Lương đang tăng nhanh hơn năng suất, “ăn mòn” lợi nhuận doanh nghiệp”, ông Thành nhấn mạnh.

Mất dư địa thương lượng tập thể

Bên cạnh đó, Hiệp hội Dệt May đánh giá, lương tối thiểu tăng hàng năm còn ảnh hưởng đến thu hút đầu tư FDI. Làm giảm vai trò đòn bẩy của tiền lương, không khuyến khích lao động tích cực. Đặc biệt, lương tối thiểu tăng cao khiến không còn dư địa cho thương lượng tập thể. Hiệp hội Dệt May phân tích, lương tối thiểu tăng cao và các chế độ bắt buộc như cho lao động qua đào tạo mức 7%, lao động trong điều kiện nặng nhọc mức 5%... Đơn cử với vùng 1 là 3.980.000 đồng x 7% x 5% = 4.471.530 đồng đã chiếm tới 70% mức lương bình quân của lao động.

“Trong khi đó khuyến cáo của ILO mức tối đa chỉ nên là 60%, còn lại tạo dư địa cho các bên thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể, khuyến khích lao động bằng nhiều chế độ”, đại diện Hiệp hội Dệt May cho biết.

Do đó, Hiệp hội Dệt May kiến nghị giãn thời gian tăng lương tối thiểu vùng mức 2-3 năm/lần thay vì hàng năm. Bên cạnh việc tăng lương tối thiểu là tăng chi phí, doanh nghiệp còn mất nhiều thời gian, công sức chi phí để sửa lại bảng lương, điều chỉnh mức phí và mức trích nộp cho từng người lao động.

Hiệp hội Dệt May đề nghị Nhà nước quy định rõ chức năng của lương tối thiểu là “tấm lưới” bảo vệ lao động yếu thế, thu nhập thấp, không liên quan đến nền đóng các khoản đóng góp khác. “Trả lương tối thiểu về đúng chức năng của nó. Doanh nghiệp có trách nhiệm trả lương cho người lao động không thấp hơn lương tối thiểu Nhà nước quy định. Đồng thời có quyền lựa chọn kết cấu tiền lương nhằm khuyến khích doanh nghiệp và người lao động”, đại diện Hiệp hội Dệt May nhấn mạnh.

Theo vinatex.com