Tin trong ngành

Lao động ngành Dệt May Việt Nam trong bối cảnh 4.0

15-11-2017

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (công nghiệp 4.0) đang đến gần và qua những nhận định của các chuyên gia trên thế giới cũng như trong nước thì công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành Dệt May Việt Nam, bởi đây là ngành sử dụng khoảng 3 triệu lao động trên cả nước. Mang nỗi băn khoăn và niềm trăn trở này đến gặp Lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may, chúng tôi có được những nhìn nhận rất khác nhau, nhưng tựu chung lại thì có thể khẳng định, ngành Dệt May Việt Nam sẽ chỉ cần nhiều lao động hơn chứ không thể giảm đi được, ít nhất là trong khoảng thời gian 5 năm tới.

Nhu cầu tuyển dụng công nhân luôn cao

Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam, ngành dệt may là một ngành có tính thời trang cao, có nhiều công đoạn sản xuất, công nghiệp 4.0 khó có thể đồng loạt thay thế lao động tay chân của con người trong thời gian ngắn, nhất là công đoạn may. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP May Hưng Yên chia sẻ, biến động lao động là một nỗi nhức nhối của Tổng Công ty và ông khẳng định, đối với các khâu khác trong Chuỗi dệt may có thể giảm nhu cầu lao động, nhưng đối với khâu May sẽ luôn luôn cần tăng thêm lao động. Theo ông Dương, ngoài việc lao động bị các đơn vị khác “lôi kéo” thì có một nhóm nghỉ việc chiếm % khá lớn tại Tổng Công ty May Hưng Yên nói chung và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói riêng, đó là nhóm lao động nữ mới sinh con nhỏ. Với mong muốn được chăm sóc con cho đến khi con cứng cáp, có thể đi học mẫu giáo, nên nhóm lao động nữ này có xu hướng nghỉ việc 2 năm và sau đó mới quay trở lại Công ty. Còn một nhóm nghỉ việc nữa theo ông Dương, đến từ “bản chất” lười lao động, không tự giác, ham chơi. Nhóm lao động này thường còn trẻ, chưa lập gia đình, do vậy sau 1 thời gian làm việc thấy bị kiểm soát về mặt thời gian cũng như các quy định lao động sẽ có xu hướng nhấp nhổm, chuyển sang làm các công việc khác. Ông Dương trăn trở, thời điểm hiện tại Việt Nam đang sở hữu lực lượng dân số vàng, tuy nhiên lại không đưa được hết lực lượng này vào thị trường để đóng góp cho xã hội, làm giàu cho đất nước. Ông đưa ra ví dụ, ngay tại thành phố Hưng Yên, với dân số 1,2 triệu người, trong đó có 600.000 người trong độ tuổi lao động, tuy nhiên số lượng huy động để đưa vào sản xuất chỉ khoảng 200.000 người. Đây là một sự lãng phí về nhân lực vô cùng lớn. Ông Dương ngậm ngùi: “Số lượng lao động được đào tạo bài bản cũng rất nhiều, bậc cao đẳng, đại học cũng rất lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm này lại rất cao, lên đến 60%. Ở nước ngoài, lực lượng này là rất quý nhưng ở Việt Nam lại rất phí!”.



Ông Đỗ Thanh Bình - Giám đốc Nhà máy May 2 Hồ Gươm

Với chính sách lương thưởng hợp lý, chế độ đãi ngộ đảm bảo, Nhà máy May 2 Hồ Gươm - một đơn vị trực thuộc Tập đoàn Hồ Gươm cũng phải vô cùng vất vả trong việc giữ chân người lao động. Ông Đỗ Thanh Bình - Giám đốc Nhà máy vừa lau mồ hôi vừa chia sẻ: “Tôi luôn luôn lấy người lao động làm gốc và không ngại đấu tranh với Lãnh đạo Tập đoàn để có được những điều tốt nhất cho người lao động, thường xuyên trao đổi với người lao động để hiểu tâm tư, nguyện vọng, qua đó duy trì được số lượng lao động tại Nhà máy. Năng suất lao động sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu nhân sự cũ ra đi, khi đó sẽ mất đến 6 tháng để có thể đào tạo được một nhân sự mới, bởi họ cần thời gian để làm quen với môi trường làm việc mới, cách quản lý cũng như hoạt động của chuyền may veston - sản phẩm khó nhất trong các sản phẩm dệt may xuất khẩu”. Cố gắng và nỗ lực là thế, tuy nhiên biến động lao động vẫn luôn xảy ra, và nhu cầu tuyển dụng lao động mới không khi nào là không có, bởi xung quanh Nhà máy có rất nhiều các doanh nghiệp khác, cùng ngành nghề có và khác ngành nghề cũng có. Ngoài ra, người lao động còn dịch chuyển từ địa phương này sang địa phương khác để kiếm tìm công việc phù hợp cũng như thu nhập cao hơn.

Đối với lao động khâu Sợi - Dệt nhuộm, bài toán tuyển dụng, thu hút và giữ chân nhân tài cũng khó không kém khâu May là mấy. Để đào tạo được một công nhân bảo trì có tay nghề sẽ phải mất từ 3 đến 6 tháng, công nhân Sợi - Dệt nhuộm mất ít nhất từ 2 đến 3 tháng. Ông Đoàn Văn Dũng - Chánh văn phòng Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định cho biết, trên địa bàn Nam Định có rất nhiều doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân, luôn treo biển đăng tuyển công nhân từ vài trăm đến vài nghìn người với mức lương hấp dẫn, do đó việc giữ chân cũng như tuyển dụng lao động cho các dự án mới của TCT vô cùng gian nan. Tháng 1/2018 tới đây, TCT sẽ đưa 1 dự án dệt mới vào hoạt động tại KCN Hòa Xá, do vậy việc tuyển dụng và đào tạo 230 công nhân đã được TCT triển khai từ nhiều tháng nay. Để có thể tuyển dụng được số lượng lao động trên, TCT đã triển khai chủ trương hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập và trả lương cho lao động tuyển dụng mới trong suốt thời gian đào tạo. Việc học tập được thực hiện theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 học lý thuyết tại TCT, giai đoạn 2 thực hành ngay tại các nhà máy của TCT, nhà máy của các đơn vị thành viên Tập đoàn Dệt May Việt Nam hoặc các doanh nghiệp tư nhân có liên kết với TCT. Cụ thể, hơn 100 lao động đang thực tập tại nhà máy của TCT, 17 lao động đi thực tập tại CT CP Dệt May Huế, Nhà máy Sợi Phú Bài; 17 lao động đi thực tập tại Công ty TNHH Sợi Phú Thọ. TCT hỗ trợ toàn bộ chi phí đi lại, lưu trú, và người lao động được trả lương theo xếp loại từ 1 đến 3, công nhân học nghề tốt, chăm chỉ chuyên cần thì lương có thể lên đến 4 triệu đồng/tháng, chi phí ăn ca được các nhà máy hỗ trợ.

Cạnh tranh với các quốc gia nhập khẩu lao động

Nguồn nhân lực của ngành dệt may không chỉ dừng lại ở việc cạnh tranh giữa nhà máy này với nhà máy khác, cạnh tranh giữa ngành này với ngành khác, giữa địa phương này với địa phương khác, mà còn là giữa Việt Nam với các nước nhập khẩu lao động.



Ông Ngô Minh Hoan - Giám đốc điều hành CT CP&DV Hưng Long

Trao đổi với ông Ngô Minh Hoan - Giám đốc điều hành Công ty CP&DV Hưng Long (May Hưng Long), số lượng lao động cần tuyển dụng luôn luôn cao để bù đắp cho những lao động dịch chuyển, cũng như để phục vụ cho những dự án phát triển mới của các doanh nghiệp dệt may. Lấy dẫn chứng, ông cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, trên tổng số lao động của Công ty là 2.600 người thì số lao động vào/ra khoảng 400 người, số lượng giảm tuyệt đối là 98 người. Qua tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người lao động, ông được biết trong số 98 người nghỉ việc thì có đến 80 người sẽ xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Nếu tính nhanh, mỗi năm người lao động làm việc chăm chỉ tại Nhật sẽ tích lũy được khoảng 20 – 25 triệu đồng/tháng, trong khi đó lương tại Công ty đang trả chỉ vào khoảng 10 triệu đồng. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc mất lao động tại Công ty.

4.0 sẽ mang lại cơ hội lớn cho ngành DMVN

TGĐ Tập đoàn Dệt May Việt Nam - ông Lê Tiến Trường nhận định, nếu công nghiệp 4.0 được áp dụng một cách sâu rộng, nhanh chóng thì năng suất lao động trên đầu người sẽ có sự cải thiện rất nhanh. Việc này khác với việc tăng năng suất thông thường qua sự chuyển đổi đời máy, nâng tốc độ như đã diễn ra trong suốt hơn 2 thập niên qua. Lần này với việc áp dụng tự động hóa, robot và sử dụng các dữ liệu lớn (big data) thì khả năng tăng năng suất sẽ trở thành cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng như bình thường. Vì thế những ngành vẫn bị đánh giá là thu nhập thấp sẽ có khả năng cải thiện rất nhanh thu nhập của mình và tạo ra một ngành dệt may mới mà ở đó thu nhập của người lao động có thể tiệm cận, tương đương với các ngành khác. Đây cũng chính là cơ hội lớn để ngành tiếp tục thu hút được lượng lớn các lao động, phát triển bền vững hơn, tránh được tình trạng biến động lao động.

Theo vinatex.com