Dù khẳng định đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho phương án mở cửa sản xuất trở lại, nhưng nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo lắng về rủi ro lại bị buộc phải tạm dừng hoạt động nếu chẳng may phát sinh ca F0 trong nhà máy.
Theo các doanh nghiệp, khi đã xác định phải sống chung với COVID-19, việc xử lý với tình huống phát sinh ca F0 trong nhà máy cũng phải linh hoạt hơn, không nên đóng cửa nhà máy bởi sẽ gây thiệt hại nặng cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho rằng các địa phương cần có cơ chế tạo điều kiện đi lại cho người lao động, khi lực lượng lao động tại TP.HCM đang thiếu hụt trầm trọng.
Ông Phạm Văn Việt (chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean):
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó mở cửa lại
Đáp ứng được các yêu cầu của bộ tiêu chí vừa được ban hành, các doanh nghiệp buộc phải tổ chức lại nơi sản xuất với nhiều không gian, cùng hàng loạt các chính sách về y tế phải làm cho người lao động như xét nghiệm định kỳ, test nhanh, xây dựng phương án y tế... Nếu làm đầy đủ như quy định, doanh nghiệp chỉ có thể "chạy" được 70% năng suất so với trước dịch.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được một số điều kiện trong bộ tiêu chí. Chẳng hạn, với yêu cầu bố trí lại dây chuyền máy móc theo đúng khoảng cách tối thiểu 5m2/người tại phân xưởng sản xuất, không phải doanh nghiệp nào, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có đủ điều kiện cũng như mặt bằng để đáp ứng.
Trong khi đó, căn cứ vào bộ tiêu chí, chỉ có "đạt" hay "không đạt" cho từng hạng mục. Do vậy, doanh nghiệp thật sự gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn mở cửa sản xuất trở lại, nhất là trong bối cảnh nguồn lực đã cạn kiệt sau nhiều tháng đóng cửa.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nay-xanh-mai-do-phai-lam-gi-de-lam-an-bot-rui-ro-20210924075312968.htm