Ngành Dệt May Việt Nam 6 tháng đầu năm: Tăng trưởng ấn tượng
21-07-2018
Sáng ngày 18/07/2018, tại khách sạn Melia Hà Nội, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã tổ chức buổi Hội thảo “CPTPP và EVFTA – những tác động đối với ngành Dệt May Việt Nam”.
Tới dự buổi lễ có ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục XNK Bộ Công Thương, ông Vương Đức Anh – Cục NNK Bộ Công Thương, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS, ông Nguyễn Sỹ Phương, Phó Viện trưởng Viện Dệt May, cùng đại diện các doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí tham dự.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc buổi Hội thảo, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh những kết quả ngành dệt may đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, đồng thời đưa ra các lý do khách quan cũng như chủ quan đã giúp ngành dệt may tăng trưởng ấn tượng. Ông Giang cho biết, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã và đang ký kết là một trong những lực hấp dẫn giúp Việt Nam thu hút đầu tư từ các quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước lớn như Mỹ, Châu Âu (Pháp, Đức,…), Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Trung Quốc, … Ngoài ra, khả năng phát triển công nghệ hiện đại, đầu tư các thiết bị tiên tiến để đáp ứng thời gian giao hàng nhanh, sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý hiện đang là thế mạnh của Việt Nam so với nhiều quốc gia cạnh tranh xuất khẩu hàng dệt may.
Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch VITAS chia sẻ về tình hình ngành Dệt May 6 tháng đầu năm
Chia sẻ về tình hình ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm thông tin: Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng dệt may 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với tốc độ tăng 10,43% của cùng kỳ 2017. Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong 6 tháng đầu năm, cùng với những diễn biến mới từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung theo hướng có lợi cho hàng hóa của Việt Nam cũng như tiến độ nhập khẩu NPL đang tăng nhanh, dự kiến xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tốt, kim ngạch ước đạt 18,5 tỷ USD, nâng KNXK cả năm đạt 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch.
Cụ thể, riêng mặt hàng may mặc đạt 12,86 tỷ USD, tăng 15,27%, tăng khá so với mức tăng 8,32% của năm 2017. Mặt hàng vải đạt 787 triệu USD với mức tăng trưởng rất tốt 31,83%, các mặt hàng có giá trị gia tăng cao cũng có mức tăng trưởng tốt như xơ sợi tăng 19%, vải địa kỹ thuật tăng 11,8%, phụ liệu dệt may tăng 19,1%.
Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 10,78 tỷ USD, tăng 15,99% so cùng kỳ năm 2017. Giá trị thặng dư thương mại đạt 7,6 tỷ USD, tăng 13,87% so cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường xuất khẩu, những thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ, các nước khối CPTPP, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN... đều tăng mạnh, tốc độ tăng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017; các mặt hàng xuất khẩu bứt phá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018 là vải, áo thun, áo jacket, ... Đồng thời, tình hình đơn hàng của các DN cũng rất khả quan, nhiều DN đã nhận đơn hàng đến hết năm. Một số DN đạt kim ngạch XK điển hình là: Tcty CP May Việt Tiến, Cty TNHH Regina Miracle, Cty TNHH Worldon (VN)...
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục XNK – Bộ Công Thương chia sẻ về tình hình ngành Dệt May trước Hiệp định CTTPP và EVFTA
Chia sẻ với báo giới, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK – Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Muốn đẩy mạnh xuất khẩu, ngành dệt may cần đầu tư một cách bài bản để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, để có thể mở rộng thị trường xuất khẩu thì cần có sự liên kết chặt chẽ với các thị trường tham gia FTA có nhiều ưu đãi lớn. Chúng ta vẫn đang có một số hiệp định có ý nghĩa rất lớn đối với dệt may như CPTPP, FTA Việt Nam-EU… Tất cả những hiệp định này đang ở phía trước và sẽ được triển khai trong thời gian tới. Đây sẽ là cú hích mạnh mẽ cho ngành Dệt May Việt Nam”.
Tại buổi Hội thảo, các khách mời đã được nghe ông Vương Đức Anh – Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương chia sẻ về Hiệp định CPTPP và EVFTA cũng như những tác động đối với ngành DMVN và bà Phạm Thị Thúy Vân – Phó Giám đốc Marketing Tân cảng Sài Gòn giới thiệu về các giải pháp logistic cho ngành DMVN trong bối cảnh các hiệp định CPTPP và EVFTA đi vào hiệu lực.
Theo vinatex.com