Tin trong ngành

Ngành Dệt May Việt Nam: “Đổi mới” để đón đầu

21-07-2018

Đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Dệt May Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức để duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh. Là một trong những ngành có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, với 7.000 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động, cộng đồng doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các giải pháp trong việc tiếp cận và đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng như tạo ra nguồn NPL sản xuất tại chỗ, giảm lệ thuộc vào nhập khẩu.

Liên quan đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như sự chuyển dịch cơ cấu công nghệ mới của ngành Dệt May Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, PV Tạp chí Dệt May và Thời trang Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt nam (VITAS) về những vấn đề trên.

PV: Thưa ông, ông nghĩ gì về tình hình hoạt động của ngành Dệt May Việt Nam hiện nay?

Ngành Dệt May Việt Nam vẫn đang có đà tăng trưởng rất tốt và bền vững. Trong 5 tháng đầu năm 2018, ngành DMVN đã xuất khẩu 13,4 tỷ USD, tăng 16,48% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với tốc độ tăng 11,49% của cùng kỳ năm 2017/2016. Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may đang rất nỗ lực trong việc chuyển dịch cơ cấu công nghệ mới, đầu tư các thiết bị máy móc công nghệ hiện đại, trong đó công nghệ 4.0 cũng đang được ứng dụng vào mô hình tự động hóa một số dây chuyền sản xuất. Trong chiến lược phát triển ngành dệt may, chúng tôi cho rằng, các hiệp định thương mại cũng là một phần tác động trong việc quyết định chuyển dịch đầu tư, phát triển các dự án mới của các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước.

PV: Ông có dự đoán gì cho tương lai của ngành DMVN trong thời gian sắp tới?

Ngành DMVN đã được chúng tôi đưa ra định hướng đến năm 2030 – 2035, bao gồm 03 giải pháp chiến lược nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ nhất, chúng tôi dựa trên những điều khoản và lợi ích mang lại từ các Hiệp định thương mại, đó là một thị trường rộng mở khi thuế suất dần trở về bằng 0% trong 2 đến 3 năm tới. Hiện nay, Việt Nam đã và đang ký kết 14 Hiệp định thương mại trên toàn cầu.

Thứ hai, chúng tôi xây dựng giải pháp trong chiến lược phát triển, chuyển dịch đối với các ngành công nghiệp Dệt – Nhuộm để tạo ra phần cung thiếu hụt của ngành bằng cách giảm phần nhập khẩu và tăng cường sản xuất trong nước, bao gồm đóng góp của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp FDI ở đây không chỉ gói gọn trong khu vực châu Á như Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, … mà hiện giờ các doanh nghiệp châu Âu, Mỹ cũng đã đầu tư vào Việt Nam. Đây chính là động lực có tính bền vững trong chiến lược phát triển ngành Dệt May Việt Nam của chúng tôi.

Cuối cùng, giải pháp trong chiến lược hội nhập, đó là giải pháp đào tạo bền vững các nguồn lực cho ngành DMVN. Trong tiến trình sẽ có sự hợp tác của các tổ chức phi chính phủ, thế giới, cũng như một số chương trình của Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ cho chiến lược phát triển, đào tạo, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho ngành DMVN.

PV: Hiện nay, NPL dệt may được nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc. Vậy theo ông, khi chúng ta đặt mục tiêu tăng cường sản xuất NPL trong nước thì % nhập khẩu NPL từ quốc gia này sẽ giảm xuống bao nhiêu % trong vòng 5 năm tới?

Hiện nay, tổng nhập khẩu của cả nước khoảng 14 tỷ USD cho NPL dệt may, trong đó Trung Quốc chỉ chiếm 46%, còn lại chúng ta nhập khẩu từ Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, … Trong một thị trường mở, tôi nghĩ rằng, sản phẩm nào có lợi cho doanh nghiệp thì họ sẽ nhập khẩu và ngược lại. Do đó, chúng ta không thể ngăn cản dòng sản phẩm, miễn là đạt được mục tiêu về chất lượng, giá cả và hiệu quả về thời gian giao hàng thì doanh nghiệp sẽ vẫn nhập. Trung Quốc có thế mạnh của họ và Việt Nam cũng có những thế mạnh riêng. Có những mặt hàng Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu từ Việt Nam, đơn cử là mặt hàng sợi của Việt Nam hiện đang xuất khẩu rất cạnh tranh sang Trung Quốc.  

PV: Theo một số nguồn tin thì hiện nay nhãn hàng Nike và Adidas đang chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ông nghĩ gì về trường hợp này?

Tôi nghĩ rằng sự chuyển dịch này là một điều tất yếu. Kết cấu của thị trường là kết cấu có sự chuyển dịch theo chu kỳ của ngành dệt may thế giới. Theo tôi được biết, hiện nay Nike không chỉ chuyển dịch sang Việt Nam mà còn sang một số nước khác. Có thể đó là sự chuyển dịch theo quan điểm chính trị nào đó, hoặc do chi phí nào đó ảnh hưởng đến giá cả, khả năng cạnh tranh… 

PV: Theo ông đánh giá, ngành DMVN có đang phát triển bền vững?

Tôi cho rằng, việc phát triển bền vững của ngành DMVN tại thời điểm này đang là một thách thức rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi. Tuy nhiên, cũng chính vì thách thức đó mà chúng tôi gần đây đã tổ chức buổi hội thảo “Áp dụng chỉ số HIGG trong xây dựng thương hiệu bền vững cho ngành DMVN” ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam để truyền đạt tới cộng đồng doanh nghiệp các giải pháp trong việc xây dựng hệ thống đạt các tiêu chuẩn, từ đó chúng ta mới có được các đơn hàng ổn định từ các đối tác, nhằm mục tiêu phát triển dài hạn của ngành DMVN. Tôi cho rằng, nếu như các doanh nghiệp không đạt được các chuẩn mực để đánh giá, thì các lợi ích của các Hiệp định TMTD mà Chính phủ đã ký sẽ không mang lại gì cho doanh nghiệp. Do đó, điều “sống còn” với các doanh nghiệp đó chính là việc đầu tư về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng… đạt các chuẩn mực trong đánh giá.

PV: Hiện nay thế giới đang rất quan tâm đến “chiến tranh thương mại” giữa Mỹ và Trung Quốc. Vậy ông có quan ngại hay có ý kiến gì về ảnh hưởng của cuộc chiến này tới thị trường Việt Nam?

Tôi cho rằng, nếu xảy ra “chiến tranh thương mại” giữa Mỹ và Trung Quốc thì tất yếu những nước có đường biên giới chung với Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nhất định. Bởi thực tế, chúng ta vẫn có sự ảnh hưởng lẫn nhau trong một số dòng sản phẩm nào đó. Hiện nay, hai bên mới chỉ đưa ra một số vấn đề liên quan đến thuế suất, tuy nhiên tiêu chí như thế nào vẫn chưa được đưa ra một cách cụ thể. Thêm vào đó, danh mục sản phẩm Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế hiện chưa có hàng dệt may.

PV: Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã có thông báo gì tới các doanh nghiệp hội viên về vấn đề vừa nêu hay không, thưa ông?

Cộng đồng doanh nghiệp của chúng tôi rất bình tĩnh về vấn đề trên. Hiện chúng tôi đã có những khuyến cáo với doanh nghiệp không quá lo lắng, bởi nếu ảnh hưởng một số thị trường nào đó thì sẽ có những thị trường khác bù đắp.

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện! 

Theo vinatex.com