Tin trong ngành

Thị trường dệt may quý I/2018

11-04-2018

Kinh tế Mỹ khởi sắc trong quý IV/2017 với các số liệu về thị trường việc làm khả quan, thu nhập người lao động tăng, cùng cảm ứng thị trường tiêu dùng khá tốt. GDP quý IV/2017 tại Mỹ đã tăng 2,5% nhờ lượng hàng tồn của doanh nghiệp giảm, cũng như niềm tin tiêu dùng của các hộ gia đình Mỹ, cùng đầu tư của các doanh nghiệp tăng khá. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất theo quý trong vòng 2,5 năm trở lại đây.

Nối tiếp đà tăng của quý IV/2017, tình hình kinh tế Mỹ trong quý I/2018 vẫn tiếp tục theo đà tăng trưởng, dù với tốc độ chậm hơn, một phần do tình trạng dư thừa hàng hóa theo mùa vụ của quý I, nhưng phần nhiều vẫn do niềm tin tiêu dùng “bớt nhiệt”. Thêm vào đó, các biện pháp phòng vệ thương mại mà chính quyền ông Trump gần đây khơi mào với Trung Quốc, có thể làm cân bằng lại các xung lực tài chính góp phần đẩy mạnh tăng trưởng. Khởi đầu là với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu, tới đây nhiều chuyên gia cho biết, những cuộc chiến về bảo hộ sẽ còn lan sang các lĩnh vực khác.

Tại EU, các số liệu mới cập nhật gần đây cho thấy khu vực đồng tiền chung Châu Âu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV/2017 và chốt lại một năm thành công của kinh tế Châu Âu. Kinh tế Châu Âu năm qua khởi sắc do đầu tư cố định của khối doanh nghiệp gia tăng, cùng với xuất khẩu tăng dù đồng Euro trong năm 2017 tăng giá. Những số liệu về kinh tế gần đây của Q1 cũng khá khả quan, dù cũng đón nhận dấu hiệu chậm và chững. Dù sao tỷ lệ thất nghiệp của Q1 tại EU vẫn được duy trì ở mức thấp. Cùng với đó quan hệ giữa EU và Mỹ (một trong những đối tác thương mại chính) đang được cả hai bên quan tâm trong những tuần gần đây, sau khi Chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ nâng mức thuế nhập khẩu mặt hàng nhôm và thép, dù tạm thời EU được miễn tăng thuế cho đến 1/5/2018. Về tương lai rõ ràng biện pháp phòng hộ của Mỹ, nếu áp dụng lên EU sẽ kéo theo chiến tranh thương mại giữa hai bên và sẽ ảnh hưởng tới tình hình kinh tế và cảm ứng thị trường của cả hai bên.

Tương tự tại Nhật Bản, bức tranh kinh tế khả quan trong quý I/2018 với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ qua, cũng do chi tiêu tăng. Tháng 3/2018, các chỉ số sản xuất cũng khả quan. Nhờ Hiệp định CPTPP mà Chính phủ Nhật Bản tham gia ký kết vào đầu tháng 3/2018 với 10 nước thành viên khác, kỳ vọng xuất khẩu Nhật Bản sẽ khởi sắc hơn nữa nhờ các cơ hội về thương mại mà Hiệp định mang lại khi đi vào hiệu lực. Về mặt chính trị, áp lực tiếp tục đè lên vai Thủ tưởng Nhật Bản Shinzo Abe khi dạo gần đây các tin tức về hối lộ có liên quan tới Thủ tưởng Nhật Bản tiếp tục bị đào bới. Điều này có thể đe dọa tới việc ông này có thắng cuộc tái cử vào tháng 9 tới đây hay không. Năm 2018, dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng ở mức 1,3%, và ở mức 1% vào năm 2019.

Ngày 15/3, chính phủ Hàn Quốc vừa ra thông báo sẽ tăng chi tiêu chính phủ thêm 3,8 tỷ USD nhằm giảm tình trạng thất nghiệp ở đa phần người trẻ tuổi. Việc tăng cường chi tiêu chính phủ sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Thêm vào đó, tình trạng căng thẳng quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên được xoa dịu dạo gần đây cũng sẽ giúp cải thiện niềm tin tiêu dùng và niềm tin của doanh nghiệp. Dự báo cả năm 2018 kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 3%.

Nhập khẩu dệt may của các thị trường chính Q1/2018

Quý I/2018, kim ngạch nhập khẩu may mặc thị trường Mỹ ước đạt 25,29 tỷ USD, tăng 4,15% so với cùng kỳ 2017. Đây là chỉ dấu khá tốt khi quý I/2017 trước đó đã giảm 3,89% so với cùng kỳ 2016. Sự tăng trưởng trở lại của thị trường kinh tế Mỹ khiến tình hình nhập khẩu hàng may mặc khởi sắc. Trong các nước xuất khẩu lớn nhất tới Mỹ trong quý này, nhập khẩu của Mỹ từ Campuchia, Mexico tăng nhanh và mạnh mẽ nhất. Theo sau là Việt Nam và Ấn Độ. Nhập khẩu từ Trung Quốc và Bangladesh tăng không đáng kể. Về cơ cấu mặt hàng, các mặt hàng áo dệt kim chất liệu bông/xơ sợi nhân tạo, quần các loại cho nam giới/bé trai tiếp tục đạt tăng trưởng hơn 2 con số trong quý I/2018.

Với thị trường Nhật Bản, tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may quý I/2018 đạt 8,59 tỷ USD, tương ứng với kim ngạch cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu các mặt hàng dệt kim tăng khá trong khi nhập khẩu các mặt hàng dệt thoi giảm nhẹ.

Tồn nhập khẩu dệt may thị trường Hàn Quốc trong quý I/2018 ước đạt 3,91 tỷ USD, tăng khá 12,4% so với cùng kỳ 2017.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam Quý 1/2018, dự báo cả năm 2018

Theo Hải quan Việt Nam, quý I năm 2018 kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam ước đạt 7,82 tỷ USD, tăng trưởng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các thị trường xuất khẩu, thì xuất khẩu tới Nhật Bản và Trung Quốc tăng rất khá, đều trên 25%. Xuất khẩu tới thị trường Mỹ cũng đạt hơn 10%. Việc đẩy mạnh xuất khẩu sợi tới thị trường Trung Quốc cùng việc Việt Nam gia nhập CPTPP đã mang lại kết quả khả quan cho xuất khẩu dệt may Việt Nam.

Đáng chú ý trong quý I xuất khẩu dệt may của chúng ta đến các thị trường khác được đẩy mạnh, như xuất khẩu đến Canada, CH LB Nga đều tăng khá.

Về cơ cấu mặt hàng, những mặt hàng truyền thống như sơ mi, quần nam nữ các loại, váy nữ, áo khoác… đều được đẩy mạnh xuất khẩu.

Bảng 1: Kim ngạch xuất khẩu Dệt May Việt Nam trong quý I/2018 tới các thị trường

STT

Thị trường

Q1/2016

(triệu USD)

Q1/2017

(triệu USD)

Q1/2018

(triệu USD)

Q1/2017 so Q1/2016 (%)

Q1/2018 so Q1/2017 (%)

1

Mỹ

2.584

2.770

3.136

7,20

13,21

2

EU

1.025

1.124

1.125

9,66

0,09

3

Nhật Bản

671

756,6

957,6

12,76

26,57

4

Hàn Quốc

613

732,3

895,7

19,46

22,31

5

Trung Quốc

491,3

662,67

832,3

34,88

25,60

6

Khác

660

734

877

11,33

19,46

 

Tổng

6.044

6.780

7.824

12,18

15,4 

Bảng 2: Dự báo Kim ngạch xuất khẩu Dệt May Việt Nam năm 2018 tới các thị trường 

STT

Thị trường

Năm 2016

(triệu USD)

Năm 2017

(triệu USD)

Dự báo 2018

(triệu USD)

2017/2016 (%)

2018/2017 (%)

1

Mỹ

11.660

12.489

13.838

7,11

10,8

2

EU

3.667

3.802

3.760

3,68

-1,1

3

Nhật Bản

3.037

3.285

3.679

8,17

12,0

4

Hàn Quốc

2.662

3.075

3.570

15,51

16,1

5

Trung Quốc

2.667

3.360

3.871

25,98

15,2

6

Khác

4.539

5.273

5.507

16,17

4,44

 

Tổng

28.232

31.284

34.225

10,81

9,4

 

Những nhân tố ảnh hưởng tới Dệt May Việt Nam trong thời gian tới

Việc Mỹ khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc trong tháng 3 vừa qua là một trong những nhân tố chính ảnh hưởng tới bức tranh thương mại dệt may thế giới trong năm 2018. Nếu như sắp tới hàng dệt may từ Trung Quốc bị đưa vào “tầm ngắm” của Mỹ, thì những nước đang trực tiếp cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường Mỹ sẽ được hưởng lợi. Sát sườn nhất là Việt Nam và các quốc gia cạnh tranh giá rẻ khác như Campuchia, Bangladesh. Ngoài ra, Mexico, một đối tác láng giềng với Mỹ cũng có thể được hưởng lợi. Bằng chứng cho thấy nhập khẩu dệt may từ Mexico đã được khôi phục lại đà tăng trong quý I/2018. Ngoài ra, khi xuất khẩu dệt may Trung Quốc bị đe dọa, không loại trừ khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hơn nữa luân chuyển sản xuất sang các nước láng giềng nhằm tận dụng lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công, chi phí thương mại. Khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể phải đối mặt với làn sóng đầu tư đến từ các doanh nghiệp Hongkong, Trung Quốc và Đài Loan.

Cũng trong tháng 3/2018, việc Việt Nam gia nhập CPTPP là cơ hội để tăng cường xuất khẩu vào những thị trường phi truyền thống như Canada và Úc. Nếu Việt Nam cố gắng chuẩn bị tốt năng lực sản xuất, và ngay từ bây giờ xúc tiến kết nối, làm việc với khách hàng cùng tìm ra các giải pháp đáp ứng những yêu cầu về xuất xứ của Hiệp định CPTPP, thì khi Hiệp định CPTPP đi vào hiệu lực trong thời gian tới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp của chúng ta. Bởi hàng năm, nhập khẩu dệt may từ những thị trường này khá lớn trong khi xuất khẩu của Việt Nam hiện tại còn rất khiêm tốn. 

Theo vinatex.com