Tổng Giám đốc Vinatex Ngành dệt may cần một cầu nối thị trường năng động
10-02-2018
Vừa qua tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị Tham tán thương mại (TTTM) năm 2018. Hội nghị quy tụ đại diện các ngành, các doanh nghiệp quan trọng trong cả nước. Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã đưa ra Hội nghị những ý kiến về vấn đề thúc đẩy thị trường cho Ngành.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong thành quả chung của đất nước năm qua, có sự đóng góp quan trọng của ngành công thương nói chung, sự đóng góp của các đại diện Thương vụ Việt Nam (TVVN) ở các nước nói riêng cũng như sự đóng góp trực tiếp của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của các TVVN; đồng thời nêu rõ, năng lực sản xuất của Việt Nam là rất lớn, nhưng hiện nay gặp khó khăn về thị trường, đầu ra. Do đó, chúng ta phải tìm ra thị trường mới, nhu cầu mới của nền kinh tế để tăng cường xuất khẩu. Trong đó, TVVN đóng vai trò rất quan trọng.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang xóa bỏ các khoảng cách, nhiều hướng kinh doanh mới xuất hiện, thị trường cần phải hiểu theo nghĩa rộng là nơi mang lại nguồn lực cho đất nước như dịch vụ, vốn, nhân lực, công nghệ, thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. TVVN cần tập trung đề xuất giải pháp tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để đưa hàng Việt Nam tiếp cận thị trường sở tại cũng như vận động các DN nước sở tại hợp tác với DN Việt Nam; phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện FTA. Làm việc với các bộ, cơ quan quản lý thương mại nước sở tại để hai bên thực hiện cảnh bảo sớm cho nhau những tranh chấp thương mại tiềm ẩn để có biện pháp xử lý, hạn chế thấp nhất các tranh chấp thương mại.
Ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã thay mặt cho Ngành DMVN, phát biểu tại Hội nghị. Bài phát biểu của Tổng Giám đốc Vinatex gây chú ý trong vấn đề cầu nối phát triển thị trường. Trong đó, nhấn mạnh công tác mở cửa ở thời kỳ hội nhập, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng đối với ngành Dệt May Việt Nam. Điều này đã được kiểm chứng thông qua quá trình tăng trưởng xuất khẩu dệt may Việt Nam trong gần 20 năm qua: năm 2001, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 2 tỷ USD, nhờ có BTA với Hòa Kỳ mà sau đó kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng trưởng trung bình gần 1 tỷ USD/năm, đạt 6,5 tỷ USD vào năm 2006; tiếp đó, nhờ có việc gia nhập WTO và các FTA ASEAN – Nhật Bản, ASEAN – Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng trung bình 2 tỷ USD/năm, kể cả trong giai đoạn suy thoái kinh tế 2008-2009, đạt mức 24,5 tỷ USD vào năm 2014. Tính đến hết năm 2017, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 31, 3 tỷ USD, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc. Với mức tăng trưởng như trên, xuất khẩu dệt may Việt Nam đứng trong top 5 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất trên thế giới, với thị phần đứng thứ 2 tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, đứng 5 tại Châu Âu. Để đạt được thành tựu như trên, không thể không kể đến vai trò cầu nối thông tin của hệ thống thương vụ tại Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu, Hàn Quốc, không chỉ về khía cạnh thị trường mà còn cả về các chính sách của nước sở tại, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp dệt may trong nước. Đến thời điểm hiện nay, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có quan hệ vững chắc với các khách hàng ở các thị trường này.
Nhằm giúp ngành dệt may Việt Nam ngày càng phát triển, tăng thị phần tại các thị trường truyền thống, cũng như mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới tiềm năng, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đề xuất:
Đối với các thị trường truyền thống Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc: cần có sự cập nhật và dự báo chính sách của nước sở tại, đặc biệt là chính sách thuế, chính sách và tiêu chuẩn về môi trường/tiêu chuẩn sản phẩm. Riêng đối với thị trường Trung Quốc cần thêm thông tin cụ thể về chính sách tồn trữ bông, chiến lược phát triển ngành của họ, chính sách bảo vệ môi trường và dự báo dòng dịch chuyển cơ sở sản xuất.
Đối với các thị trường mới: hiệp định CPTPP sẽ được duyệt vào tháng 3/2018, mở ra nhiều cơ hội mới, đặc biệt là 2 thị trường có kích cỡ khá lớn là Úc và Canada. Do vậy, đề nghị thương vụ ở các nước hết sức quan tâm giúp đỡ để doanh nghiệp tiếp cận được với thị trường sớm nhất, tận dụng được lợi thế cho ngay đơn hàng mùa thu đông 2018 (đặt hàng cho mùa tháng 5,6 năm 2019) sẽ diễn ra khoảng tháng 7-8/2018.
Đối với thị trường Nga và các nước liên minh kinh tế Á Âu: trong 2 năm trở lại đây, xuất khẩu dệt may Việt Nam sang các thị trường này có tốc độ tăng trưởng tốt nhờ FTA VN-EAEU nhưng quy mô còn rất nhỏ, chưa tới 200 triệu USD. Vì vậy rất cần sự hỗ trợ của thương vụ để ngành dệt may Việt Nam có thể khai thác được các thị trường này tốt hơn.
Đối với phát triển sản phẩm mới: bên cạnh hàng quần áo, đến nay ngành dệt may Việt Nam đã có nhiều sản phẩm khác có lợi thế cạnh tranh như hàng home textile, sợi, vải denim với năng lực thiết kế tốt (hiện đang outsourcing cho các hãng lớn). Rất mong được phối hợp với thương vụ các nước để xúc tiến đẩy sản phẩm, dịch vụ ra thị trường.
Đối với phát triển công nghệ: bên cạnh việc tìm kiếm khách hàng, thị trường, ngành dệt may Việt Nam còn có nhu cầu tìm nhà cung cấp các thiết bị dạng robot theo CMCN 4.0. Hiện nay các thiết bị như vậy đã được sản xuất nhiều tại các quốc gia như Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc và phần mềm sản xuất từ Mỹ. TVVN cũng có thể sắp xếp để doanh nghiệp dệt may có thể tham quan các cơ sở sản xuất hàng dệt may theo công nghệ robot tại các quốc gia này.
Theo vinatex.com