Tin trong ngành

Viện Dệt May Sau CPH phải duy trì nhiệm vụ KHCN, cung cấp dịch vụ công, không kinh doanh bất động sản!

10-03-2018

Dư luận đang nóng lên với sự kiện IPO của Viện Dệt May Việt Nam, bởi cho rằng Viện này đang được thuê 3 “khu đất vàng”, sau CPH sẽ có cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thu lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, thông tin này là không có cơ sở. Viện Dệt May sẽ chỉ tập trung hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ kỹ thuật, công nghệ  và đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho doanh nghiệp Dệt May, không kinh doanh bất động sản.

Phiên đấu giá cổ phần của Viện Dệt May Việt Nam sẽ diễn ra ngày 12/3/2018, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Theo đó, Viện Dệt May sẽ bán đấu giá 2,263 triệu cổ phần với giá khởi điểm 12.583 đồng/cổ phiếu.

Viện Dệt May là trung tâm chuyên nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghê, cung cấp các dịch vụ chứng nhận, giám định, kiểm định, thí nghiêm các sản phẩm dệt may. Viện có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, thuộc sở hữu 100% của nhà nước, thuộc quản lý của Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Theo phương án cổ phần hoá đã được phê duyệt, Viện Dệt may sẽ IPO lần đầu và chào bán 45,26% cổ phần, bán cho nhà đầu tư chiến lược cũng với tỷ lệ 45,26%. Số cổ phần bán ưu đãi cho người lao động chiếm 9,48%. 

Là một đơn vị sự nghiệp KHCN công lập nhưng Viện Dệt May đã tự chủ tài chính chi thường xuyên theo nghị định 115 của Chính phủ từ năm 2007. Hiện tổng tài sản của Viện tính cuối năm 2017 là 41 tỷ đồng. Tổng số lao động là 121 người. Thu nhập bình quân người lao động là hơn 9 triệu đồng/người/tháng.

Doanh thu của Viện có xu hướng giảm, năm 2016 đạt 80,86 tỷ đồng, đến năm 2017 giảm xuống chỉ còn gần 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí cho các hoạt động tự chủ, đề tài, dự án thí nghiệm khá lớn khiến lợi nhuận chỉ đạt 1,1 tỷ đồng năm 2016 và 608 triệu đồng năm 2017.

Với kết quả kinh doanh của Viện Dệt May như đề cập ở  trên, phiên IPO lần đầu được đánh giá không có nhiều hấp dẫn với giới đầu tư. Nhưng với thông tin Viện Dệt May đang nắm quyền sử dụng ba khu đất được dư luận đánh giá là “đất vàng”, có thể khiến giới đầu tư quan tâm.

Cụ thể, Viện Dệt may đang sở hữu khu đất 2.850m2 tại 478 Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đây chính là trụ sở văn phòng làm việc của Viện. Khu đất này được nhà nước cho thuê đất và miễn tiền thuê đất với các diện tích phục vụ cho nghiên cứu khoa học công nghệ, phòng thí nghiệm, đào tạo trong vòng 50 năm kể từ năm 1993 ( tức đến 2043).

Viện Dệt May cũng đang sở hữu khu đất 5.311m2 tại ngõ 454/24 phố Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Khu đất này đang được sử dụng làm văn phòng, trung tâm nghiên cứu, đào tạo và xưởng thử nghiệm.

Theo văn bản thỏa thuận của UBNN thành phố Hà Nội, đồng ý sau cổ phần hóa, Viện tiếp tục được sử dụng hai khu đất trên vào các mục đích phục vụ cho nghiên cứu khoa học công nghệ, phòng thí nghiệm, đào tạo theo hình thức ký hợp đồng thuê đất và trả tiền thuê hàng năm.

Tại Tp. HCM, Viện Dệt May đang sử dụng khu đất 2.219m2 trên phố Trần Hưng Đạo (Quận 1, Tp. HCM) làm cơ sở nghiên cứu, đào tạo, xưởng thực nghiệm, giới thiệu sản phẩm. Hiện Viện Dệt May vẫn đang hoàn thiện hồ sơ thuê đất dài hạn sau khi chuyển thành công ty cổ phần.

Theo TS. Nguyễn Văn Thông, Viện trưởng Viện Dệt May, thì sau CPH, dù tiếp tục được thuê “khu đất vàng”, Viện vẫn chủ trương cam kết tuân thủ các thỏa thuận với với UBND Tp. Hà Nội và Tp. HCM là sử dụng đất với mục đích làm cơ sở nghiên cứu, đào tạo, xưởng thực nghiệm. Sau cổ phần hóa, các hoạt động của Viện tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật và đào tạo, không kinh doanh bất động sản như dư luận đồn thổi hoặc ngầm hiểu. Việc một số nguồn thông tin đưa ra về “khu đất vàng” mà Viện đang sử dụng, so sánh với giá trị thực tế của Viện được công bố là hơn 72 tỷ đồng, dễ nhầm tưởng về món đầu tư siêu lợi nhuận trong trường hợp này. Tuy nhiên, giá trị thực tế của Viện chỉ tính trên giá tài sản lưu động và cố định, không bao gồm giá trị 3 khu đất kể trên. Bất động sản đó do Viện được thuê, và chủ sở hữu 3 khu đất đó là Tp. HN và Tp. HCM. Vì vậy, các nhà đầu tư nên tỉnh táo nghiên cứu kỹ thông tin, biết rõ bản chất của sự việc, tránh quyết định nhầm lẫn gây ảnh hưởng không tốt cũng như những thiệt hại tài chính về sau.

Sau cổ phần hoá, Viện Dệt May lên kế hoạch doanh thu đạt hơn 49 tỷ đồng năm 2018, 55 tỷ năm 2019 và 61 tỷ đồng năm 2020. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 dự tính của Viện Dệt May là 186 triệu đồng, tăng lên 758 triệu đồng năm 2019 và 923 triệu đồng năm 2020.

Theo vinatex.com