86% lao động giản đơn sẽ bị thay thế
Thực tế, không còn là điều viễn cảnh xảy ra ở xứ người, nhiều doanh nghiệp (DN) VN thời gian qua đã đầu tư mạnh vào công nghệ và máy móc hiện đại, nên cũng giảm mạnh lực lượng lao động so với trước.
Ví dụ gần đây, Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) bắt đầu đẩy nhanh trang bị máy móc hiện đại trong ngành dệt may như máy kiểm soát khâu nguyên liệu; công nghệ tự động chải và cắt thay cho 80% lao động so với trước; thiết bị may, mỗi máy thay cho 3 - 5 công nhân; thiết bị may, cắt vải dùng tia laser giúp mỗi ca thay thế 36 người/máy; máy giặt khô lấy khí ô xy để tạo khí ozone… Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc VitaJean, cho biết: “Dự kiến, công nghệ máy móc sẽ giúp công ty thay thế 60 - 80% lao động so với trước. Điều này sẽ giúp công ty giảm số lượng công nhân từ con số 1.800 người xuống 1.250 người, rồi giảm còn 800 người và trong tương lai khi việc lắp đặt hoàn thành, công ty sẽ chỉ còn 450 lao động tay nghề cao”. Ông Việt tiết lộ sẽ hoàn tất việc lắp đặt dây chuyền vào năm 2019. Việc đầu tư này sẽ giúp VitaJean giảm giá thành 20% so với trước và dự tính trong vòng 5 năm, công ty sẽ thu hồi khoản đầu tư.
Tương tự, từ 6 - 7 năm nay, Công ty Namilux - chuyên sản xuất bếp gas, bắt đầu tự động hóa dây chuyền sản xuất, đem lại nhiều hiệu quả hơn làm thủ công. Nhờ đó, 2 người phụ trách dây chuyền có thể làm khối lượng công việc của 8 người trước đây. Thậm chí, mỗi chi tiết linh kiện nhỏ nhất cũng đã được máy làm thay. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Tổng giám đốc Công ty Namilux, cho biết: “Áp dụng công nghệ hiện đại thường giúp DN tiết kiệm 3 - 4 lần nhân công so với trước, thậm chí có một số ngành giảm gấp 10 lần. Nếu không giảm được nhiều nhân công thì coi như tự động hóa đã thất bại”. Theo ông Dũng, dù chi phí đầu tư máy móc khá cao nhưng yêu cầu tự động hóa là điều kiện bắt buộc trong cạnh tranh mà DN phải thực hiện nếu không muốn tụt hậu, phá sản.
Bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động, dẫn số liệu từ ILO cho hay: “Đến năm 2050 có thể 86% lao động giản đơn ở VN thuộc các ngành như may mặc, da giày, lắp ráp điện tử… sẽ bị thay thế bởi máy móc”. Tuy nhiên theo bà Chi, việc thay thế này khác nhau ở từng DN bởi tùy theo mức độ đầu tư vốn, áp dụng công nghệ, máy móc.
Nâng cao tay nghề, kỹ năng mềm cho người lao động
PGS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân, Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động VN), cho biết bản chất của các DN là tìm kiếm lợi nhuận nên khi thấy máy móc có những ưu thế đem lại nhiều lợi nhuận DN sẽ áp dụng. Trên thực tế, DN ngày càng sử dụng nhiều máy móc hiện đại để dần thay thế nhân công, lao động và VN cũng không cưỡng lại được xu thế này.
Về giải pháp hỗ trợ người lao động, ông Thọ cho hay cần phải nhanh chóng đào tạo nâng cao tay nghề người lao động để khi chuyển đổi sang máy móc, trang thiết bị hiện đại họ vẫn có thể tiếp cận, vận hành được. Nhà nước cần có chính sách, chế độ an sinh tốt cho người lao động, điều này cần thể hiện qua hành động chứ không chỉ bằng lời nói. Hệ thống công đoàn ở DN chính là nơi bảo đảm quyền lợi cho người lao động tốt nhất.
“Phải có sự ràng buộc, nhất là với DN có vốn đầu tư nước ngoài là khi đầu tư vào cần phải cam kết sử dụng bao nhiêu lao động, đồng thời phải nâng cao trình độ tay nghề cho lao động để khi chuyển đổi sang máy móc mới vẫn có thể vận hành được”, ông Thọ nói.
TS Nguyễn Đình Hòa, Trưởng khoa Lao động - Công đoàn (Đại học Tôn Đức Thắng), cho hay theo các DN, nhất là DN may mặc, thì hiện việc chuyển đổi máy móc chưa nhiều. Tuy nhiên xu thế sử dụng máy móc, công nghệ làm thay con người không chỉ riêng trong may mặc là việc đang diễn ra và không thể cưỡng lại được. Do đó, ngay trong lúc này phải có giải pháp đào tạo người lao động lên vị trí cao hơn khi chuyển đổi ngành nghề sử dụng máy móc, thiết bị.
Xu thế toàn cầu
Gần đây, tạp chí Forbes dẫn một số nghiên cứu khẳng định sự bùng nổ của công nghệ, nhất là sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, khiến nhiều nước đứng trước nguy cơ đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao do máy móc thay thế con người. Trong đó, VN cùng với Mexico, Indonesia thuộc nhóm đối mặt nguy cơ cao.
Thực tế, máy móc đã thay thế con người trong rất nhiều công việc. Trong ngành tài chính, nhiều hệ thống ngân hàng lớn tại Mỹ, Singapore... đã phát triển các điểm giao dịch tự động, thậm chí có thể tiến hành làm thủ tục cho vay, mở thẻ ngân hàng... chứ không chỉ gửi hay nhận tiền. Hồi tháng 2 vừa qua, truyền thông Mỹ đưa tin Tập đoàn Amazon dự kiến mở thêm 6 cửa hàng bán lẻ Amazon Go trong năm nay. Amazon Go là mô hình siêu thị bán lẻ tự động, loại bỏ hoàn toàn nhân viên bán hàng và đã được thử nghiệm cửa hàng đầu tiên. Từ vài năm qua, nhiều hệ thống bán lẻ của Mỹ như Walmart, CVS... hay các hệ thống siêu thị tại Úc cũng đã giảm bớt số nhân viên bán hàng, khách hàng có thể tự thanh toán với máy móc dưới sự giám sát của hệ thống cũng là máy móc. Tại Trung Quốc, các mô hình cửa hàng bán lẻ hoàn toàn tự động như BingoBox, F5 Future... cũng dần chứng minh hiệu quả. Tương tự, ở Singapore thì nhiều cửa hàng trang bị cả máy tự động nhận tiền và thối tiền để khách tự chọn mua hàng, thanh toán mà không cần nhân viên bán hàng.
Hồi cuối năm 2017, Tập đoàn tư vấn McKinsey (Mỹ) công bố kết quả nghiên cứu dự báo đến năm 2030, có thể 800 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị thay thế bởi máy móc. Và hồi tháng 4, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), có trụ sở đặt tại Pháp, công bố kết quả nghiên cứu chỉ ra nhiều ngành nghề có tỷ lệ công việc đứng trước nguy cơ bị thay thế rất cao.
Tỷ lệ việc làm một số lĩnh vực có thể bị máy móc thay thế
ẢNH: OECD
|
Theo Thanhnien.vn