Vinatex tiếp cận chuyển đổi số
10-07-2021
Ngày 9/7, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo trao đổi thống nhất các nội dung dự thảo Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Trọng Đường- Quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và truyền thông chủ trì hội nghị với sự tham dự của đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty…
Toàn cảnh buổi hội thảo
Ông Nguyễn Trọng Đường- Quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp cho biết: Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp nhằm áp dụng trong việc đánh giá doanh nghiệp về chuyển đổi số.
Bộ chỉ số gồm 6 trụ cột với 139 tiêu chí cụ thể sau khi được phê duyệt sẽ là cơ sở để các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp căn cứ xây dựng, vận hành chương trình chuyển đổi số vào thực tiễn hoạt động; là thước đo quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp; đồng thời xác định doanh nghiệp ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số để từ đó doanh nghiệp đưa ra lộ trình, kế hoạch phù hợp chuyển đổi số của mình góp phần vào sự phát triển kinh tế số Việt Nam.
Tại hội thảo, đại diện các đơn vị đã trao đổi, thảo luận các ý kiến xoay quanh tiêu chí đánh giá của Bộ chỉ số, liên quan đến quá trình vận hành, hiệu suất công tác, hiệu quả sản xuất kinh doanh và tiếp cận khách hàng…
Lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp nhấn mạnh: Dự kiến, trong tháng 7, Bộ Thông tin- Truyền thông sẽ hoàn thiện và phê duyệt Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp. Sau đó, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể cũng như thành lập mạng lưới chuyên gia để hỗ trợ các đơn vị tiến hành đánh giá các tiêu chí chuyển đổi số…
Nhận thức rõ sự cấp thiết của chuyển đổi số trong doanh nghiệp, ngay từ đầu năm 2021, Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn về Chuyên đề “Chuyển đổi số của Tập đoàn Dệt May Việt Nam giai đoạn 2021-2025”. Nghị quyết chuyên đề đã chỉ rõ những thời cơ cũng như thách thức, thực trạng và phương hướng đối với nhiệm vụ số hóa trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của toàn hệ thống.
Tập đoàn xác định đến năm 2025, các doanh nghiệp thành viên cơ bản hoàn thành việc số hóa toàn bộ hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh, nhân sự, hành chính.
Riêng trong năm 2021, hình thành quy hoạch tổng thể mô hình quản trị vận hành sau khi số hóa các tác nghiệp cụ thể từ công ty mẹ đến các công ty thành viên. Xác định lộ trình triển khai mô hình quản trị và hoạt động trên nền tảng số; trước mắt tập trung cho quản trị sản xuất các ngành sợi, dệt, nhuộm, may; và các hoạt động quản trị ngoại vi bổ trợ cho sản xuất cốt lõi.
Đối với hoạt động sản xuất, sẽ được số hóa, từ khâu khách hàng, chuẩn bị nguyên liệu, tổ chức sản xuất và quản trị tồn kho. Cụ thể, hoàn thiện 80% nền tảng ngành Sợi được chuyển đổi số, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động để ứng dụng cho các đơn vị. Đối với ngành May, sẽ chuyển đổi số với 50% nghiệp vụ cụ thể…
Nguồn: https://vinatex.com.vn/vinatex-tiep-can-chuyen-doi-so/