Xuất khẩu dệt may có thể đạt mốc 40 tỷ USD?
22-11-2021
Theo Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP Hồ Chí Minh, 3 tháng cuối năm, đơn hàng khá dồi dào, cùng những biến động lao động không quá lớn... là những tín hiệu tích cực cho phục hồi sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp dệt may khu vực phía Nam.
Cùng với đó, dự trữ các đơn hàng tồn đọng chưa sản xuất còn khá nhiều. Các đơn hàng mới được bổ sung sẽ giúp các doanh nghiệp dồi dào đơn hàng hơn. Ngoài ra, tinh thần người lao động cũng đang rất háo hức sau khi được trở lại làm việc, có những doanh nghiệp năng suất cao hơn bình thường.
Năm 2022, dự báo thị trường dệt may sẽ có nhiều khởi sắc. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Sau khoảng thời gian dài đình trệ, công nhân đang rất cần việc và thu nhập. Nhiều doanh nghiệp đã tính đến phương án tăng ca, làm thêm giờ để kịp các đơn hàng. "Đây cũng là tín hiệu mừng cho các doanh nghiệp dệt may phía Nam trong 3 tháng cuối năm", Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP Hồ Chí Minh nhận định.
Trong khi đó, theo dự báo của Navigos Group, nhiều doanh nghiệp dệt may đã nhận đơn hàng tới tháng 4 đến tháng 6 năm sau và vẫn đang cần tuyển thêm nhiều lao động để đáp ứng đơn hàng.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho rằng, mặc dù đối mặt với những bất định, nhưng với tình hình kinh tế phục hồi, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng dệt may của các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… sẽ trở về mức ngang bằng năm 2019 trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 khả năng được kiểm soát tốt hơn, khi đó thị trường dệt may sẽ có nhiều khởi sắc.
Vinatex cũng đưa ra 3 kịch bản dự báo kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong năm 2022. Ở kịch bản cao, sản xuất trở lại từ quý IV/2021 đến quý I/2022, trên 80% lao động trở lại nhà máy, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, vượt kết quả năm 2019 ở mức 39 tỷ USD.
Kịch bản trung bình, khi sản xuất trở lại từ quý IV/2021 đến quý I/2022, trên 70% lao động trở lại và mỗi quý tiếp theo tăng thêm 10% lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 38 tỷ USD. Ở kịch bản thấp, quý I/2022 vẫn chưa ổn định hoàn toàn, chỉ huy động được dưới 60% lao động và mỗi quý tiếp theo tăng thêm 10%, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 36 tỷ USD…
Về nguồn nhân lực để đáp ứng sản xuất, nhiều doanh nghiệp cho rằng, áp lực lớn nhất là vừa đảm bảo khôi phục sản xuất, vừa đảm bảo các tiêu chí an toàn cho người lao động.
Các chuyên gia và doanh nghiệp ngành dệt may nhận định, với những tín hiệu tích cực từ thị trường, nguồn lao động, ngành dệt may Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội, tăng kim ngạch xuất khẩu lên 40 tỷ USD.
Tuy nhiên, dù các doanh nghiệp dệt may đã chủ động trong việc tìm cách ổn định sản xuất kinh doanh, đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho rằng, họ vẫn đang rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương để có thể vượt qua thời kỳ dịch bệnh.
Vitas đề xuất nhà nước cho phép doanh nghiệp bố trí làm thêm giờ theo tháng cao hơn quy định 40 giờ/tháng của pháp luật và không vượt quá 300 giờ/năm để doanh nghiệp có thể bố trí sản xuất giải quyết các đơn hàng tồn đọng sau dịch, hoặc nhận thêm đơn hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp ngừng sản xuất.
Bên cạnh đó, nhà nước tập trung hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền để tránh cho doanh nghiệp không rơi vào tình trạng đứt thanh khoản như: dừng các khoản thu không phải chi ngay mà để kết dư; tạm dừng thu phí công đoàn và đoàn phí công đoàn, hạ hạn mức tín dụng, giảm lãi suất vay...
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/xuat-khau-det-may-co-the-dat-moc-40-ty-usd-20211118143529902.htm